Prices / Mô hình kinh tế

Nuôi Trồng Thủy Sản Tại Võ Ninh Cần Bảo Đảm Tính Bền Vững

Nuôi Trồng Thủy Sản Tại Võ Ninh Cần Bảo Đảm Tính Bền Vững
Author: 
Publish date: Friday. August 9th, 2013

Khoảng 10 năm trở lại đây, nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển khá mạnh tại xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Nhờ những thuận lợi về yếu tố tự nhiên, địa hình… nhân dân trong xã tích cực chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp trũng thấp, năng suất bấp bênh sang NTTS. Hiệu quả kinh tế từ NTTS cao gấp nhiều lần so với trồng lúa khiến bà con đua nhau chuyển đổi. Kết quả, rất nhiều diện tích nuôi trồng bị nhiễm dịch bệnh, nhiều gia đình trắng tay. Không thể phủ nhận lợi ích kinh tế từ NTTS mang lại, nhưng về lâu dài, xã Võ Ninh cần có sự định hướng hợp lý, bảo đảm tính bền vững.

Phát triển NTTS theo hướng sản xuất hàng hóa

Đây là một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết HĐND xã Võ Ninh đề ra về phát triển kinh tế, gắn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với nhu cầu thị trường, trong đó xác định nuôi trồng và khai thác thủy hải sản là hướng đột phá quan trọng, mang lại lợi ích thiết thực cho từng hộ gia đình cũng như lợi ích xã hội.

Còn nhớ khi phong trào NTTS phát triển khá rầm rộ ở huyện Quảng Ninh, người dân xã Võ Ninh chủ động chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp và mặt nước ao hồ ở các thôn Trúc Ly và Hà Thiệp sang nuôi tôm. Những vụ đầu tiên, người nuôi tôm trúng đậm, lợi nhuận từ nuôi tôm cao ngất ngưỡng so với trồng lúa.

Tuy nhiên, sau vài năm, khi diện tích NTTS mở rộng thì dịch bệnh xảy ra với con tôm, nhiều nông dân vướng vào cảnh nợ nần vì tôm chết hàng loạt, trắng tay. Ông Lê Bá Phấn, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh lúc đó nhận định: “Việc dịch bệnh xảy ra ở tôm do người nuôi theo lối quảng canh, chạy theo lợi nhuận, thiếu kỹ thuật nuôi trồng và phòng chống dịch bệnh, chưa chú trọng đến vấn đề xử lý môi trường...”.

Đến năm 2012, tổng diện tích NTTS của xã Võ Ninh gần 110 ha. Sản lượng tôm nuôi trồng và đánh bắt 332 tấn, đạt 94% kế hoạch (sản lượng đánh bắt 64 tấn, sản lượng nuôi trồng 268 tấn). Mặc dù trước thời điểm bước vào NTTS, Chi cục Thú y tỉnh đã hỗ trợ 125kg clorimB để thực hiện xử lý ao hồ, mở các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, kiểm soát con giống khi thả nuôi, quy trình nuôi... nhưng trong năm 2012 đã có trên 36 vạn con tôm giống (trên diện tích 17.000m2 mặt nước) bị hội chứng gan tụy, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nuôi trồng. Sáu tháng đầu năm 2013, sản lượng khai thác và đánh bắt đạt 125 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 83 tấn và sản lượng đánh bắt 43 tấn.

Mặc dù UBND xã Võ Ninh và các hộ tham gia NTTS xác định phát triển NTTS theo hướng thâm canh, theo nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng thủy hải sản, chú trọng đáp ứng cho xuất khẩu, tuy nhiên trong quá trình nuôi lại nảy sinh một số vấn đề: tôm giống thả nuôi không rõ nguồn gốc về bố mẹ nên khó kiểm soát mầm bệnh. Nhiều hộ nuôi phát hiện tôm nhiễm hội chứng gan tụy nhưng không báo cáo, chậm xử lý; người nuôi tùy tiện xả nước thải ở ao hồ chưa xử lý ra môi trường. Hoạt động của các tổ hợp tác NTTS còn mang tính hình thức. Vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý chất lượng con giống, quản lý bảo vệ môi trường, dịch bệnh chưa quan tâm đúng mức.

Hướng đến các mô hình NTTS bền vững

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho biết: “Năm 2013, diện tích NTTS của xã về cơ bản vẫn duy trì gần 110 ha, trong đó nuôi nước ngọt 63,33 ha, nuôi nước lợ 46,4 ha. Quy hoạch ổn định, lâu dài khu vực NTTS chính tại thôn Trúc Ly và Hà Thiệp. Lần đầu tiên, UBND xã tiến hành hội nghị triển khai công tác NTTS, tại hội nghị này, những tổ hợp tác, các hộ tham gia NTTS cùng nhau xây dựng hệ thống quy chế, lịch thời gian nuôi trồng rất khoa học, trong đó chú trọng đến các khâu vệ sinh ao hồ, phòng chống dịch bệnh, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương... ”.

Các hộ NTTS đã thả trên 2.000 vạn cá giống, 646 vạn tôm giống (trong đó 509 vạn tôm sú và 137 vạn tôm thẻ chân trắng). Nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh ao hồ trước khi vào vụ, kiểm soát tốt nguồn gốc giống nuôi, tuân thủ theo lịch thời vụ... nên hiện tại các loại tôm, cá sinh trưởng mạnh, hứa hẹn một vụ nuôi năng suất cao.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh về giống, kỹ thuật, trên 3.000m2 ao hồ của gia đình ông Trương Hoằng tại thôn Tiền đã tiến hành quy hoạch nuôi thí điểm giống cua đồng thương phẩm. Mô hình trình diễn ban đầu tiến hành thả 390kg cua giống, sau 4 tháng cho thu hoạch với năng suất ước đạt 2 tấn/ha.

Theo ông Trương Hoằng: “Mô hình nuôi cua đồng thương phẩm không đòi hỏi khắt khe như nuôi tôm, giống cua đồng ban đầu cho thấy rất thích hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương. Cua đồng là giống ăn tạp, quá trình nuôi tận dụng được các nguồn thức ăn phụ phẩm, dư thừa từ nông nghiệp. Bên cạnh đó, giống cua chịu đựng tốt các yếu tố bất lợi của môi trường, ít dịch bệnh, giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ rộng. Đây thực sự là một mô hình nuôi trồng thích hợp, áp dụng được tại các vùng trũng thấp, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích”.

Thành công của mô hình trình diễn nuôi cua đồng thương phẩm của gia đình ông Trương Hoằng đã mở ra một hướng phát triển NTTS mới tại xã Võ Ninh cũng như nhân rộng ra trong toàn huyện Quảng Ninh, bước đầu khẳng định được tính hiệu quả của các mô hình NTTS thương phẩm bền vững, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.


Related news

Đầu Tư Cho Tam Nông: Chưa Hiệu Quả, Thiếu Bền Vững Đầu Tư Cho Tam Nông: Chưa Hiệu Quả, Thiếu Bền Vững

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân sáng 18-4 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đề nghị tăng gấp đôi đầu tư cho lĩnh vực này trong giai đoạn tới. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cần huy động thêm nguồn lực xã hội, không thể chỉ trông chờ ngân sách.

Friday. August 9th, 2013
Mô Hình Nuôi Nhím Kết Hợp Nuôi Thỏ Lợi Nhuận Hàng Trăm Triệu Đồng Mô Hình Nuôi Nhím Kết Hợp Nuôi Thỏ Lợi Nhuận Hàng Trăm Triệu Đồng

Nông dân có sáng tạo sẽ mau làm giàu, chính vì nhờ linh động trong phát triển kinh tế, biết tìm tòi học hỏi, tìm giống cây trồng vật nuôi, áp dụng thực tế tại hộ gia đình đã được nhiều nông dân đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hộ anh Nguyễn Văn Hòa ở ấp Bình Đông 2 xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã chọn phát triển mô hình nuôi Nhím kết hợp với nuôi Thỏ đem lại lợi nhuận hàng triệu đồng mỗi năm. Anh Hòa trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.

Friday. August 9th, 2013
Đại Gia Bị Nông Dân Đến Nhà Đòi Nợ Đại Gia Bị Nông Dân Đến Nhà Đòi Nợ

Sáng 18.2, nhiều nông dân kéo đến cổng biệt thự của bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) ở Cần Thơ, giăng băng rôn, yêu cầu bà Hiền trả nợ tiền mua cá. Khoảng 10 giờ 30 ngày 18.2, nhiều nông dân kéo đến cổng biệt thự của bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) trên đường 30.4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, giăng băng rôn, yêu cầu bà Hiền trả nợ tiền mua cá.

Friday. August 9th, 2013