Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ong Lấy Mật
Xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) có kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Ngoài việc đồng áng, nhiều phụ nữ còn thời gian nhàn rỗi. Nhằm tạo thêm việc làm, năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tư vấn giới thiệu mô hình nuôi ong cho các chị phụ nữ trong xã.
Sau đó, các chị thành lập được một tổ nuôi ong ở ấp Cà Dâm có 10 chị tham gia, nuôi hơn 500 thùng ong, vốn đầu tư ước tính trên 100 triệu đồng. Nhờ có rừng tràm cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho ong nên việc nuôi ong giảm được chi phí thức ăn. Nuôi ong không khó, ai cũng có thể nuôi được. Trung bình nuôi 50 thùng ong phải đầu tư 30 triệu đồng, bắt đầu thu hoạch sau 3 tháng nuôi và khoảng 4 đến 5 ngày lấy mật một lần. Một lít mật ong bà con bán với giá 120 ngàn đồng, mỗi tháng trung bình 1 hộ nuôi thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Ây, ấp Cà Dâm là thành viên của tổ nuôi ong cho biết: “Tôi vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư nuôi ong, đến nay đã trả được vốn và bắt đầu có tích lũy. Nuôi ong giúp gia đình tôi thoát nghèo, lo cho các con được đầy đủ hơn, đời sống bớt khó khăn”.
Chị Nguyễn Thị Dẻo, ấp Cà Dâm là hộ nuôi đầu tiên trong tổ nuôi ong. Ban đầu chị Dẻo còn do dự vì không có vốn nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế của nuôi ong cao hơn so với chăn nuôi heo trước đây, nên chị đã cố 4 công đất để làm vốn nuôi ong. Đến nay, hơn 1 năm, lợi nhuận từ mật ong chị đã thu hồi được vốn, mỗi tháng thu nhập 4 triệu đồng.
Chị Dẻo chia sẻ: “Từ khi chuyển sang nuôi ong kinh tế gia đình khá lên rất nhiều, hiện giờ tôi nuôi được 70 thùng ong, dự định sẽ nuôi thêm 50 thùng nữa”. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, góp phần tăng năng suất và bảo vệ môi trường sinh thái.
Chị Nguyễn Thị Tú Nguyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: “Đây là mô hình mới, nhưng khi đưa vào áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao và cũng góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Sắp tới, tôi sẽ khuyến khích các chị chưa có việc làm tham gia và nhân rộng mô hình này đến các ấp còn lại trong xã”.
Related news
Người dân tại vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã đã được chuyển giao kỹ thuật xây mô hình sản xuất nông sản bằng phân hữu cơ vi sinh.
Các loại rau quả gồm húng quế, ớt ngọt, cần tây, mướp đắng, mùi tàu vẫn tạm ngừng cấp phép xuất khẩu sang EU để kiểm soát tốt hơn công tác kiểm dịch.
Chỉ với 3 ha đất vườn, bình quân mỗi năm gia đình ông Vành Trọng Loan, tổ dân phố 2, thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar - Đắk Lắk) thu về hơn 300 triệu đồng nhờ trồng sầu riêng xen tiêu và cà phê.