Nuôi Lươn Trong Bể Xi Măng Cho Thu Nhập Cao
Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Phạm Văn Thức, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ kết quả ban đầu đạt được, anh Thức đang có kế hoạch đầu tư mở rộng tại nhà, đồng thời xin thành lập HTX để huy động nhiều người cùng tham gia.
Sau thời gian tham gia lớp tập huấn nuôi lươn do Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức và học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh miền Tây, anh Phạm Văn Thức, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang (huyện Châu Đức) đã đầu tư 120 triệu đồng xây dựng 15 hồ nuôi lươn thịt, lươn giống với diện tích khoảng 200m2. Vận dụng những kiến thức có được đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau hơn một năm nuôi, những bể lươn đầu tiên đã thành công ngoài sự mong đợi của anh. Mới đây nhất, đầu tháng 10 vừa qua, anh đã xuất gần 8 tạ lươn thịt, với giá 128.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí con giống, thức ăn, nhân công… anh Thức thu lãi 70 triệu đồng. Anh Thức cho biết, đối với lươn thịt thì nuôi khoảng 4-6 tháng là xuất được, còn lươn giống thì nuôi khoảng 2 tháng là bán. Con giống thì anh gom mua từ các tỉnh miền Tây do người dân đánh bắt thiên nhiên, với giá khoảng 130.000 đồng/kg. Nuôi lươn không quá khó, chỉ mất thời gian khoảng vài tháng đầu là phải chăm sóc cẩn thận, chú ý điều chỉnh nước, độ pH… Về diện tích nuôi, người dân có thể tận dụng đất vườn để xây bể. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lươn lại rất tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện tại, lươn thịt và lươn giống của trang trại anh Thức được xuất đi ở các tỉnh từ Quảng Nam trở vào.
Nhận thấy đây là mô hình sản xuất tiềm năng, anh Thức đã có kế hoạch sẽ đầu tư thêm 250 triệu đồng để xây 32 hồ nuôi lươn thịt và khu sinh sản. Với việc đầu tư khu sinh sản này sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển lươn giống và quan trọng tránh được tình trạng hao hụt. Bởi hiện nay, nguồn lươn giống chủ yếu là từ đánh bắt lươn con trong tự nhiên. Thế nhưng, do lươn giống bị đánh bắt bằng nhiều cách khác nhau trong đó có cả bằng xung điện, mồi thuốc nên con giống không đồng đều, tỷ lệ hao hụt lớn, hiệu quả nuôi chưa cao. Hiện tại, anh Thức đang tập trung cho mẻ lươn mới, dự kiến sẽ được xuất vào dịp Tết năm nay với khoảng 1,5 tấn lươn thịt và hơn 1 tấn thịt lươn giống.
Cùng với mô hình nuôi lươn, anh Thức cũng đang nuôi gần 22 tấn trùn quế trên diện tích khoảng 300m2. Đây là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, không những dùng để làm thức ăn cho lươn mà còn đủ cung cấp bán cho các hộ nuôi tôm, trại nuôi gà... Anh Thức tính toán, với cách làm này, trung bình mỗi tháng gia đình anh thu lãi hơn 40 triệu đồng từ tiền bán lươn thịt, lươn giống và trùn quế.
Để nhân rộng mô hình nuôi lươn, anh Thức đang hoàn tất các thủ tục để thành lập hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Đức, trong đó mô hình nuôi lươn là chủ đạo. Dự kiến, tháng 11 này sẽ ra mắt HTX với 9 xã viên, số vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Hiện tại, 9 xã viên này cũng đang nuôi lươn trong địa bàn xã, tuy nhiên mô hình nhỏ, thị trường đầu ra không ổn định. Vì thế, việc thành lập HTX sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc tìm kiếm thị trường, đồng thời được cung cấp con giống bảo đảm, tránh tình trạng phải mua trôi nổi trên thị trường.
Related news
Cách đây gần 15 năm về trước, khi ra riêng anh Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (32 tuổi) ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chỉ có đôi bàn tay trắng ngoài miếng đất nhỏ cất nhà lá ở tạm.
Những năm trở lại đây, giống Cà tím Nhật đang được nhiều nông dân ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) trồng và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm làm ra có chỗ đứng trên thị trường, tiêu thụ nhanh, ngoài ra còn xuất khẩu sang Nhật.
Theo thường niên, vào đầu tháng 6 dương lịch, các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nghêu ở các huyện ven biển tỉnh Trà Vinh bước vào cao điểm thu hoạch nghêu thương phẩm. Tuy nhiên, mùa nghêu năm nay, người nuôi nghêu ở đây đang đối mặt với nguy cơ thất thu nặng vì giá nghêu thương phẩm giảm mạnh và khó tiêu thụ.