Prices / Mô hình kinh tế

Làng Hoa Tỷ Phú

Làng Hoa Tỷ Phú
Author: 
Publish date: Tuesday. March 6th, 2012

KHAI HOANG LẬP ẤP

Làng hoa Thái Phiên, thuộc phường 12, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), một địa danh được nhiều người biết đến bởi nơi đây không chỉ nổi tiếng về diện tích trồng hoa, chủng loại phong phú, màu sắc rất đẹp. Ngoài ra còn có sản phẩm hoa Atisô, một thứ nước giải khát rất tốt cho sức khỏe. Trước năm 1945, đây là vùng đồi núi hoang vu, chỉ có số ít người dân bản địa ( người dân tộc thiểu số) sinh sống và là nơi dành riêng cho Vua Bảo Đại săn bắn.

Năm 1954, khoảng 40 hộ đồng bào người Việt sống ở Xuyên Khoảng - Lào, hồi hương về sống tại Đà Lạt, nhận thấy khu vực này đồi núi thấp, khá bằng phẳng, có nguồn nước tự nhiên dồi dào dẫn ra tới hồ Than Thở, thích hợp cho việc quy dân lập ấp, an cư lạc nghiệp, phát triển nông nghiệp. Đại diện cho 40 hộ về Đà Lạt lập nghiệp, cụ Lê Phương Miễn, cụ Trần Công Liêm, cụ Ngô Đàm, đã làm đơn xin được lập ấp và được tỉnh trưởng Lâm Viên lúc bấy giờ đồng ý.

Năm 1956, ấp chính thức thành lập và lấy tên là “Thái Phiên”, theo tên một sỹ phu yêu nước trong tổ chức “Việt Nam quang phục hội” do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo. Thái Phiên còn có nghĩa là thái hòa, thái bình. Như vậy, ngoài việc ghi nhớ công ơn của một chí sĩ yêu nước, Thái Phiên, được hiểu là vùng đất quy tụ dân sinh, an cư lạc nghiệp, phát triển lâu dài. Các cụ còn cho rằng đây là phúc địa, vùng đất chỉ phát triển mạnh về trồng trọt, không phát triển về chăn nuôi. Ngay từ khi lập ấp các cụ đã chọn nghành trồng hoa để ổn định cuộc sống. Một số giống hoa tại Thái Phiên lúc bấy giờ được canh tác và phát triển tốt như hoa lay ơn, cúc vạn thọ, xạc ra, Margarite…

LÀNG HOA TỶ PHÚ NHỜ CÔNG NGHỆ CAO

Đứng trên đỉnh núi Hòn Bồ nhìn xuống, Thái Phiên tựa như một “khu công nghiệp” với những mái nhà che plastic trồng hoa nối tiếp nhau, lớp lớp như sóng biển... Khi đêm về, làng hoa Thái Phiên lại rực sáng như một “thành phố” ánh sáng đầy quyến rũ, lung linh, huyền diệu, bởi hàng vạn bóng đèn 3U lấp lánh, phát ra từ những vườn hoa làm sáng cả một vùng trời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội nông dân phường 12, với tư cách là “trưởng làng” hoa Thái Phiên cho biết: Thái Phiên có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.229 ha, trong đó có 436 ha đất nông nghiệp, riêng đất trồng hoa có 300 ha, còn lại trồng Atisô và các loại rau khác. Sau 56 năm hình thành và phát triển, Thái Phiên - phường 12 có 1.100 hộ sản xuất nông nghiệp. Đa số các hộ trồng hoa theo công nghệ mới trong nhà plastic, hệ thống tưới tự động. Sản lượng hoa hằng năm của làng đạt 300 triệu cành, trong đó trên 90% là hoa cúc các loại. Người dân làng hoa Thái Phiên rất tích cực và năng động trong việc tiếp cận và ứng dụng phương pháp canh tác hoa theo công nghệ tiên tiến, nhập về nhiều giống hoa mới cho năng suất và chất lượng cao. Làng hoa có 2 cơ sở nuôi cấy mô (Invitro) do nông dân đầu tư để bảo tồn và sản xuất giống hoa sạch bệnh, 12 kho lạnh để bảo quản giống hoa, 10 cơ sở ươm giống hoa cúc hằng năm cung cấp cho làng và các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung cả trăm triệu đơn vị giống hoa. Tính đến hết tháng 12/2011, thu nhập sản phẩm của làng hoa Thái Phiên ước tính đạt trên 300 tỷ đồng.

Ông Dinh cho biết thêm: “Hiện nay TP Đà Lạt có 3 làng hoa được tỉnh Lâm Đồng công nhận, đạt tiêu chí làng nghề truyền thống là Thái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tỉnh Lâm Đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra bước tiến vượt bậc. Trong đó có sự đóng góp đáng kể của những sản phẩm nông nghiệp như trồng rau hoa công nghệ cao, với giá trị sản xuất lên tới hàng tỷ đồng/ha canh tác/năm. Nhờ trồng hoa theo công nghệ cao nhiều nông dân đã thoát nghèo trở thành tỷ phú.

Anh Phạm Hữu Đức, một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương, cũng là một trong những điển hình tỷ phú hoa cho biết, trước đây gia đình cũng trồng hoa nhưng theo cách truyền thống, màu sắc đơn điệu, năng suất thấp dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 1997 đến nay với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong canh tác nông nghiệp như làm nhà kính plastic, công nghệ tưới và bón phân bằng hệ thống phun tự động. Các giống hoa mới cao cấp được nhập về trồng với nhiều chủng loại và đa dạng như lily, cát tường, bi bi, cúc Nhật, cẩm chướng, đồng tiền…Hoa ở Thái Phiên đem lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, không chỉ phục vụ trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Anh Đức cho hay, gia đình anh trồng được 2 ha, chủ yếu trồng hoa lily, cát tường, cúc Nhật…Nếu chăm sóc tốt, được giá, cũng thu được trên 1 tỷ đồng/ ha/ năm. Nhờ trồng hoa anh đã xây được nhà kiên cố mua xe hơi đời mới và 1 xe tải nhỏ để vận chuyển hoa. Khác với anh Đức, anh Nguyễn Đăng Hiếu, người cùng phường, do quỹ đất hạn chế, anh tự mày mò nghiên cứu và xây phòng thí nghiệm chuyên nhân giống (theo phương pháp cấy mô) các loại hoa như cúc, cẩm chướng...

Ngoài ra anh còn nhân giống các loại rau và giống khoai tây cao sản cung cấp giống cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Nhờ cấy mô, cung cấp các loại giống hoa cho thị trường, anh Hiếu cũng mua được xe hơi, xe tải. Con trai lớn của anh đã tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, đang cùng anh nghiên cứu và cho ra đời những giống hoa mới có màu sắc và chất lượng tốt nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Những cố gắng nỗ lực của anh Nguyễn Đăng Hiếu đã được Trung ương Hội nông dân tặng bằng khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.


Related news

Cửa Biển Bồi Lấp, Ngư Dân Khốn Đốn Cửa Biển Bồi Lấp, Ngư Dân Khốn Đốn

Vài tháng trở lại đây, hàng trăm ngư dân ở xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc, tỉnh TT - Huế) phải bỏ nghề đầm phá, phiêu tán nhiều nơi do cửa Tư Dung bị bồi lấp, nguồn nước bị ngọt hóa, thủy sản chết hàng loạt.

Tuesday. March 6th, 2012
Nông Dân Khó Bán Được Lúa Nông Dân Khó Bán Được Lúa

Vụ lúa Hè Thu ở Vĩnh Long đang thu hoạch rộ. Mặc dù vụ này trúng mùa nhưng nông dân không vui vì giá lúa ở mức thấp. Bên cạnh đó, mưa rả rích những ngày qua làm ruộng lúa lầy lội, nhiều chủ máy gặt cũng lợi dụng cơ hội này “làm giá” nông dân.

Tuesday. March 6th, 2012
"Vựa Lúa" Mộ Đức Có Cánh Đồng 20 Tấn

Vụ đông xuân này, ngoài "bể bồ" do lúa lai mang lại thì nông dân Mộ Đức lại tiếp tục ghi điểm với mô hình "Cánh đồng 20 tấn". Đây có thể được xem là "Cánh đồng mẫu" đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, tạo bước đột phá về năng suất và thói quen canh tác, sản xuất lúa theo hướng chuyên canh.

Tuesday. March 6th, 2012