Nuôi Gà Đẻ Trứng Phụ Thuộc Con Giống Doanh Nghiệp FDI
Tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, hầu hết người chăn nuôi gà đẻ trứng đang bị phụ thuộc vào con giống của một số doanh nghiệp FDI.
Điều này dẫn đến cảnh báo về việc tăng đàn, giảm đàn của hộ chăn nuôi đều phụ thuộc vào sự điều tiết con giống của các doanh nghiệp FDI, từ đó họ hoàn toàn có thể điều tiết được đầu ra, giá trứng trên thị trường.
Anh Cường, chủ trại chăn nuôi gà đẻ trứng tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây, giá trứng có chiều hướng tăng, cụ thể trứng lớn khoảng 2.050 đồng/quả, trứng trung khoảng 2.000 đồng/quả.
Với giá này, anh đã bắt đầu có lãi nên muốn đầu tư thêm con giống để tăng sản lượng đầu ra. Tuy nhiên, anh không thể tăng đàn vì nguồn giống anh lấy về hoàn toàn phụ thuộc vào công ty mà công ty thì không cung cấp thêm.
Anh Phạm Văn Cường nói: “Tôi muốn bắt thêm con giống nhưng các đại lý của công ty lại nói rằng con giống ít. Không có giống chúng tôi phải chịu đợi thôi”.
Hiện nay tại huyện Thống Nhất, các hộ chăn nuôi gà đẻ trứng đều phụ thuộc con giống vào các doanh nghiệp FDI như CP, Emivest… Nếu các công ty này ngừng cung cấp con giống thì người chăn nuôi chỉ biết treo chuồng và không thể tái đàn.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thống Nhất, trên 90% hộ hiện đang chăn nuôi gia công gà đẻ trứng cho các công ty FDI.
Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, gần như các công ty nước ngoài đã hoàn toàn chủ động về chăn nuôi gà đẻ trứng của huyện, từ con giống đến thức ăn và cuối cùng là cả đầu ra.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Việc họ chủ động được con giống thì chắc chắn họ sẽ điều phối được khi nào cần bán con giống để có lời, họ sẽ chủ động tính giá và bắt người tiêu dùng chịu cái giá mà họ định ra”.
Điều này hoàn toàn có lý khi thời gian qua, giá trứng gà của một số doanh nghiệp FDI tăng giá và lý do được đưa ra là nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, người nông dân nếu không muốn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI thì cũng không thể tìm được con giống ở nơi nào khác để nuôi.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết thêm: “Chúng tôi thắc mắc tại sao các trung tâm giống của Việt Nam không có được những nguồn giống cung cấp cho người nông dân, mà phải chịu lệ thuộc tất cả vào các công ty nước ngoài. Đây là điều người ta có thể thâu tóm được ngành chăn nuôi và nông nghiệp của nước ta”.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, có tới 90% đàn gà giống do các công ty nước ngoài cung cấp. Việc nắm thị phần khống chế của các doanh nghiệp FDI khiến những lo ngại về nguồn cung hạn chế, thiếu nguồn gà đẻ trứng để tăng giá bán trứng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ cuối tháng 9/2012, Nhật Bản áp dụng lại việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin (chất bảo quản thức ăn thuỷ sản) và Trifluralin đối với 100% lô tôm Việt Nam nhập khẩu.
Cây chè được xác định là cây mũi nhọn, nhưng trong nhiều thập niên qua vẫn chưa thực sự giúp người làm chè ở Hà Thượng giàu lên. Hơn thế, sản phẩm chè chưa an toàn khiến người thưởng trà không mặn mà, thậm chí không biết đến chè Hà Thượng. Với tâm huyết và trách nhiệm, những cán bộ của NuiPhao Mining đã góp phần đưa chè Hà Thượng từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Về với Song An (Thái Bình) trong những ngày này cánh đồng trải dài bát ngát màu xanh của lúa non thời kỳ con gái, bà con nông dân đang chăm sóc lúa rất phấn khởi. Trong khi cánh đồng khác vừa mới cấy xong lúa chưa kịp bén rễ hồi xanh thì nông dân nơi đây đã bón xong phân thúc.