Giá / Tin thủy sản

Nuôi cá rô phi biến tiềm năng thành thế mạnh

Nuôi cá rô phi biến tiềm năng thành thế mạnh
Tác giả: Anh Vũ
Ngày đăng: 06/03/2019

"Dự báo đến năm 2020, diện tích nuôi cá rô phi Việt Nam trong ao đầm đạt 33.000 ha, thể tích nuôi cá rô phi lồng bè trên sông và hồ chứa đạt 1,5 triệu m3; trong đó 25% diện tích nuôi theo hướng thâm canh và 15% diện tích nuôi trong ao đầm nước lợ kết hợp với các đối tượng khác. Sản lượng cá rô phi đạt 300.000 tấn, trong đó 30 - 35% phục vụ xuất khẩu."

Với ưu thế dễ nuôi, chi phí sản xuất thấp, giá trị xuất khẩu cao và ổn định, cá rô phi đang là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để tiềm năng thành thế mạnh vẫn là một chặng đường gian nan.

Cá rô phi Việt Nam khó cạnh tranh với Trung Quốc   Ảnh: IT 

Tiềm năng lớn

Năm 2018, sản lượng cá rô phi của Việt Nam dự kiến đạt 255.000 tấn, đứng thứ 6 trong các nước sản xuất cá rô phi nhiều nhất thế giới. Hiện, diện tích nuôi cá rô phi còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với diện tích nuôi cá nước ngọt và có tiềm năng để mở rộng khi nghề nuôi cá rô phi cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định.

Bên cạnh đó, chúng ta đã chủ động được phần lớn nguồn cá rô phi giống chất lượng. Cả nước hiện có 255 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá rô phi, trong đó có 65 cơ sở nuôi giữ đàn cá bố mẹ với khoảng 950.000 cá thể, sản xuất được khoảng trên 1,1 tỷ cá rô phi bột, trên 600 triệu cá rô phi giống. Số lượng giống này đáp ứng được 75% nhu cầu nuôi trồng hiện nay, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan…

Các tỉnh phía Bắc có khoảng 105 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá rô phi, sản xuất được 250 triệu con giống. Những năm trước đây, ở các tỉnh phía bắc thường bị thiếu cá giống vào đầu vụ nuôi. Tuy nhiên, từ năm 2014 trở lại đây với việc hoàn thành công nghệ sản xuất là lưu giữ giống cá rô phi qua đông kết hợp với vận chuyển cá bột từ các tỉnh phía Nam như Quảng Nam, Tiền Giang... ra các tỉnh phía Bắc ương đã góp phần chủ động con giống, giảm thiểu việc thiếu hụt cá giống vào đầu vụ nuôi.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT giao cho Viện Nghiên cứu NTTS I và II triển khai Dự án “Phát triển giống cá rô phi” giai đoạn 2015 - 2016 và Dự án “Sản xuất giống cá rô phi đỏ (diêu hồng) chọn giống” giai đoạn 2016 - 2018 từ “Chương trình 2194” đã cung cấp cho các cơ sở cá rô phi hậu bị có chất lượng tốt, phục vụ cho nhu cầu sản giống cá rô phi đảm bảo chất lượng. Các cơ quan nghiên cứu đã triển khai một số chương trình chọn lọc nâng cao tốc độ sinh trưởng cá rô phi như NOVIT, GIFT, sinh trưởng nhanh trong điều kiện nhiệt độ thấp, sinh trưởng nhanh trong môi trường nước lợ mặn, chọn giống cá rô phi đỏ… Về sinh trưởng, các dòng cá rô phi chọn giống của nước ta có tốc độ sinh trưởng khá, có thể đạt được kích cỡ 600 - 800 g/con sau 5 - 6 tháng nuôi; chất lượng thịt thơm ngon.

Theo Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA), sản lượng cá rô phi và cá tra toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng dần đến năm 2020. Dự kiến sẽ tăng từ 6,05 triệu tấn trong năm 2017 lên 6,28 triệu vào năm 2018; tăng lên 6,5 triệu tấn vào năm 2019; và 6,59 triệu tấn vào năm 2020. Hiện, tiêu thụ cá rô phi đang tăng trưởng nhanh trên toàn thế giới. Đây là cơ hội để Việt Nam nắm bắt và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này.

Thế mạnh chưa phát huy

Đến nay, cá rô phi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 68 thị trường trên thế giới. Mỹ là nước nhập khẩu cá rô phi lớn nhất, chiếm 18,6% tổng giá trị, đạt trên 4,6 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp, chiếm 1,8% tổng giá trị nhập khẩu cá rô phi nhập khẩu vào thị trường Mỹ trong năm 2016 (trên 253,7 triệu USD).

Có nhiều nguyên nhân dân đến sản lượng cá rô phi Việt Nam xuất khẩu chưa cao. Trong đó yếu tố giống đóng vai trò quan trọng. Người nuôi, doanh nghiệp cá rô phi Việt Nam đánh giá, hiện thiếu cá giống chất lượng cao, sinh trưởng chậm, tỷ lệ fillet còn thấp và tính kháng bệnh chưa cao.

Tại Trung Quốc, bên cạnh khí hậu thích hợp, con giống tốt là nhân tố khiến hoạt động nuôi cá rô phi Trung Quốc liên tục thắng lớn. Nhờ phát triển ra giống cá lớn siêu nhanh, ngành công nghiệp cá rô phi Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, sản lượng xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn/năm.

Một nguyên nhân khiến cá rô phi Việt Nam kém sức cạnh tranh trên thị trường là sản xuất cá rô phi còn manh mún, thường được nuôi ghép với các đối tượng cá nước ngọt khác nên chưa tạo được sản lượng lớn cho chế biến xuất khẩu.

Tại các thị trường cao cấp (Mỹ, EU...), người tiêu dùng đang hướng tới sản phẩm giá trị gia tăng từ cá rô phi. Trung Quốc cũng đã nắm bắt xu hướng này, khởi đầu là những sản phẩm túi ví, dép xỏ ngón được làm từ da cá rô phi, đồ thủ công... Ngoài ra, Trung Quốc còn làm đa dạng sản phẩm xuất khẩu với nhiều mặt hàng như fillet cá tẩm bột, lườn cá… có thể làm chín bằng lò vi sóng, ăn kèm nước sốt, khá tiện lợi và hợp khẩu vị người châu Âu. Trong khi đó, các sản phẩm giá trị gia tăng cá rô phi của Việt Nam chưa nhiều, chưa đa dạng, chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng fillet, nên giá trị không cao.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, việc tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Số lượng các nhà máy chuyên chế biến xuất khẩu cá rô phi đã được cấp mã số xuất khẩu rất ít. Giá thu mua nguyên liệu cá rô phi cho chế biến còn thấp nên liên kết doanh nghiệp và người nuôi còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, công tác quản lý thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học… phục vụ nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá rô phi nói riêng gặp nhiều khó khăn. Do đó vẫn còn tình trạng hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng được đưa vào sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, cá nuôi chậm lớn, kháng kháng sinh… Dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát. Chính những yếu tố đó khiến cá rô phi Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Giáo sư Kevin M. Fitzsimmons, Chủ tịch Hiệp hội Cá rô phi thế giới, Giám đốc Chương trình hợp tác nông nghiệp quốc tế của Đại học Arizona, Mỹ đánh giá nếu tạo được sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia xuất khẩu cá rô phi chủ lực trong tương lai.


Có thể bạn quan tâm

Thăm người xứ Thanh đầu tiên cho tôm sú, hàu, cá bống bớp sinh sản thành công Thăm người xứ Thanh đầu tiên cho tôm sú, hàu, cá bống bớp sinh sản thành công

Cho tôm sú, hàu, cá bống bớp sinh sản thành công. Ông Hải là một trong những người tiên phong nuôi tôm thành công trong bể xi măng.

06/03/2019
Nông nghiệp đại dương vĩnh cửu Hướng đi của tương lai Nông nghiệp đại dương vĩnh cửu Hướng đi của tương lai

Mô hình nông nghiệp đại dương vĩnh cửu đã mở ra hy vọng phát triển ngành thủy sản thịnh vượng mà vẫn thân thiện môi trường.

06/03/2019
Sản xuất giống thủy sản Cơ hội và thách thức Sản xuất giống thủy sản Cơ hội và thách thức

Năm 2018, việc sản xuất cung ứng giống thủy sản chủ lực như tôm nước lợ, cá tra và các đối tượng có giá trị kinh tế cơ bản hoàn thành mục tiêu.

06/03/2019