Giá / Tin thủy sản

Sản xuất giống thủy sản Cơ hội và thách thức

Sản xuất giống thủy sản Cơ hội và thách thức
Tác giả: Nguyễn Văn Hữu - Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản
Ngày đăng: 06/03/2019

"Năm 2018, lần đầu tiên Tổng cục Thủy sản đã chủ trì, tổ chức ký Quy chế phối hợp giống tôm nước lợ giữa một số địa phương sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm trọng điểm. Đây là cơ sở để giúp kiểm soát tốt chất lượng tôm giống và có thể truy xuất nguồn gốc". Ngày 18/1/2019, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng việc thực hiện Quy chế này.

Đảm bảo chất lượng giống thủy sản cho sản xuất là một trong những ưu tiên của ngành nông nghiệp. Năm 2018, việc sản xuất cung ứng giống thủy sản chủ lực như tôm nước lợ, cá tra và các đối tượng có giá trị kinh tế cơ bản hoàn thành mục tiêu. Thời gian tới, sản xuất giống có nhiều cơ hội để tăng tốc, song cũng còn những thách thức cần vượt qua.

2018 - Tăng trưởng đáng kể

Để sản xuất thủy sản phát triển bền vững theo đúng mục tiêu tái cơ cấu ngành thì cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có công tác sản xuất và cung ứng giống chất lượng đến người nuôi. Năm 2018, chúng ta đã làm tốt công tác xây dựng kế hoạch mùa vụ thả giống, thông tin tuyên truyền, chỉ đạo sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật… do đó, việc cung ứng giống các loài thủy sản nói chung đã có sự tăng trưởng tích cực. 

Về tôm nước lợ, có 2.457 cơ sở sản xuất giống (khoảng 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng), sản lượng ước đạt 120 tỷ con, cơ bản cung ứng đủ nhu cầu cho trên 720.000 ha diện tích nuôi cả nước.

Về cá tra, với khoảng 230 cơ sở sản xuất giống, có thể cho ra trên 25 tỷ cá bột; hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích khoảng 2.250 ha, đảm bảo cung ứng hơn 2,5 tỷ con giống cho các vùng nuôi. Năm 2018, đã có sự tăng trưởng vượt bậc đối với ngành hàng cá tra. Tổ chức thay thế đàn cá bố mẹ từng bước được cải thiện, hoạt động ương giống, nuôi cá tra thương phẩm đã cơ bản được kiểm soát. Liên kết sản xuất cá tra 3 cấp đã bước đầu mang lại hiệu quả…

Cùng đó, sản xuất giống nhuyễn thể (ngao/nghêu, hàu Thái Bình Dương, ốc hương, tu hài…); cá biển; cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi); tôm càng xanh và một số đối tượng thủy đặc sản khác được quan tâm phát triển, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nuôi. Năm 2018 lần đầu tiên trong nước đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nhân tạo 3 loài cá tầm, gồm: cá tầm Nga, cá tầm Siberia và cá tầm Stelert, góp phần chủ động con giống phục vụ nuôi thương phẩm.

Bên cạnh các đối tượng nuôi chủ lực, cá nước lạnh, thủy đặc sản cũng đã góp phần đáng kể vào phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, khai thác diện tích mặt nước tiềm năng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn… góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Cơ hội

Việc sản xuất giống thủy sản nuôi chủ lực về cơ bản đã đáp ứng được số lượng cho nhu cầu nuôi. Những thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống bằng phương pháp nhân tạo đã là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất giống phát triển, đã hoàn thiện công nghệ sản xuất giống của hầu hết các đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, cá rô phi và một số loài cá biển nên đã chủ động sản xuất được con giống.

Riêng với sản xuất tôm giống nước lợ, phần lớn đã được chuyên môn hóa, hình thành các khu sản xuất giống tập trung. Việc cung ứng tôm giống được các doanh nghiệp sản xuất giống tổ chức thị trường, có ký kết với các vùng nuôi. Hiện nay việc sản xuất tôm giống đã mang tính chất công nghiệp quy mô với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Những cơ sở đầu tư nhỏ lẻ không cạnh tranh được, sản xuất kém hiệu quả đã bị thu hẹp. Hầu hết các cơ sở sản xuất tôm giống chấp hành đầy đủ các quy định quản lý, sử dụng tôm bố mẹ rõ nguồn gốc, thực hiện tốt việc kiểm tra môi trường, dịch bệnh và quan tâm đến lợi ích của người nuôi, nhiều cơ sở xuất giống đã kết hợp tư vấn kỹ thuật cho người nuôi để có kết quả tốt.

Ngày 21/11/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thủy sản số 18/2017/QH14. Bộ NN&PTNT đã xây dựng, trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn Luật. Kể từ 1/1/2019, Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, sẽ thay đổi cơ bản phương thức quản lý đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong đó có giống thủy sản: Về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản các cơ sở phải được kiểm tra đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện trước khi sản xuất, ương dưỡng; về chất lượng con giống, các cơ sở tự công bố chất lượng, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm; thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ một số đối tượng chủ lực đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn sản xuất... Những quy định chặt chẽ này góp phần minh bạch thị trường con giống, hạn chế các cơ sở không đủ điều kiện.

Cũng trong năm qua, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản và các cơ quan quản lý địa phương đã quan tâm chỉ đạo sát sao, nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác quản lý chất lượng giống thủy sản đã được ban hành. Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Cục An ninh Kinh tế - Bộ Công an và các cơ quan chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra để hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý của địa phương cũng như cơ sở sản xuất giống thủy sản trong việc chấp hành các quy định liên quan đến quản lý giống; phát hiện, xử phạt nghiêm một số cơ sở vi phạm điều kiện sản xuất, kinh doanh và công khai rộng rãi thông tin trên website của Tổng cục Thủy sản và các cơ quan thông tấn báo chí.

Thách thức

Song song với cơ hội là những thách thức. Đầu tiên phải kể đến tác động khó lường của biến đổi khí hậu đến sản xuất giống. Thứ hai là công tác quản lý chất lượng tôm giống, bởi hiện nay trên 90% tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập ngoại; còn giống bố mẹ tôm sú phụ thuộc nhiều vào đánh bắt tự nhiên. Đối với các cơ sở sản xuất giống, ngoài những cơ sở đạt chuẩn, đảm bảo an toàn sinh học, còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng. Chính vì thế, vẫn còn một phần chất lượng tôm giống chưa được quản lý triệt để.

Trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để nghiên cứu chọn tạo, nhân giống và phát tán đàn bố mẹ có chất lượng phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc đáp ứng về chất lượng con giống còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, trong các chỉ đạo của ngành đều nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo và gia hóa để cung cấp đảm bảo về chất lượng và số lượng như các chương trình và chiến lược đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích và thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và cung ứng giống. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất và cung ứng giống đang được đẩy mạnh…

Tuy nhiên, để có được thành công chung của toàn ngành, người nuôi cần quan tâm hơn đến việc lựa chọn con giống tốt. Điều này giúp đảm bảo tốc độ tăng trưởng, trọng lượng thương phẩm, thời vụ thu hoạch, giảm chi phí thức ăn và phòng chống dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế. Người nuôi nên lựa chọn các cơ sở cung ứng giống có uy tín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.


Có thể bạn quan tâm

Hướng dẫn bệnh cá - Bệnh nhiễm virut mạch máu của cá chép Hướng dẫn bệnh cá - Bệnh nhiễm virut mạch máu của cá chép

Bệnh nhiễm virut mạch máu của cá chép (SVC) là một bệnh truyền nhiễm do vi rút của cá chép (Cyprinus carpio) và các loài cá thuộc họ cá chép khác

06/03/2019
Thăm người xứ Thanh đầu tiên cho tôm sú, hàu, cá bống bớp sinh sản thành công Thăm người xứ Thanh đầu tiên cho tôm sú, hàu, cá bống bớp sinh sản thành công

Cho tôm sú, hàu, cá bống bớp sinh sản thành công. Ông Hải là một trong những người tiên phong nuôi tôm thành công trong bể xi măng.

06/03/2019
Nông nghiệp đại dương vĩnh cửu Hướng đi của tương lai Nông nghiệp đại dương vĩnh cửu Hướng đi của tương lai

Mô hình nông nghiệp đại dương vĩnh cửu đã mở ra hy vọng phát triển ngành thủy sản thịnh vượng mà vẫn thân thiện môi trường.

06/03/2019