Giá / Tin thủy sản

Thăm người xứ Thanh đầu tiên cho tôm sú, hàu, cá bống bớp sinh sản thành công

Thăm người xứ Thanh đầu tiên cho tôm sú, hàu, cá bống bớp sinh sản thành công
Tác giả: Võ Văn Dũng
Ngày đăng: 06/03/2019

Nói đến việc tiếp cận các kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản, người dân Thanh Hóa không ai không biết đến ông Hải. Ông là người xứ Thanh đầu tiên cho tôm sú, hàu, cá bống bớp sinh sản thành công. Ông cũng là một trong những người tiên phong nuôi tôm thành công trong bể xi măng.

Một góc trại tôm ông Hải

Mải miết tìm lối đi riêng

Ông Lê Đình Hải sinh ra ở xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia. Có vẻ những gì điển hình nhất của một người con đất biển đều hội tụ ở ông: Nước da rám nắng, giọng nói cởi mở, to, rõ… Và điều quan trọng hơn, có lẽ những hiểu biết về biển, về nuôi biển đều hội tụ trong con người này.

Năm 1998, sau khi xuất ngũ, ông Hải ở lại Bình Thuận kiếm việc làm. Cơ duyên đưa ông đến làm việc trong Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng nuôi trồng thủy sản. Thời điểm này, nuôi trồng thủy sản ở Thanh Hóa chưa phát triển, nhiều làng quê ven biển vẫn quẩn quanh với cái nghèo. Thấy nuôi tôm có thể thoát nghèo, năm 2000, ông Hải tính về quê lập nghiệp.

Nhưng vẫn chưa đủ tự tin, ông Hải xin vào làm ở Công ty Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Thanh Hóa. Dù không có trong tay bằng cấp nhưng nhờ những năm học hỏi thực tế tại Ninh Thuận, ông Hải mạnh dạn đề xuất đưa 12 cặp tôm sú bố mẹ về cho sinh sản tại Trại giống Hải Bình (Tĩnh Gia). Ý tưởng được lãnh đạo Công ty Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Thanh Hóa chấp thuận và thành công ngoài mong đợi. Nhiều trại nuôi tại Nghệ An ra học hỏi và du nhập tôm sú về cho sinh sản.

Tuy nhiên, do Trại giống Hải Bình không có hệ thống nâng nhiệt nên tỷ lệ sinh sản không như mong đợi, hạch toán kinh tế lãi thấp. Một phần vì đồng lương ít ỏi, để thỏa chí tang bồng, năm 2000, ông Hải xin nghỉ việc vào làm thuê, phụ trách cho tôm sú sinh sản ở một số trại giống tại Nghệ An. Nhưng chẳng được bao lâu, khi tôm thẻ chân trắng du nhập, giống tôm sú bão hòa, người dân bắt đầu chuyển đối tượng nuôi mới. Năm 2003, ông Hải lại xin nghỉ việc ra Nam Định học nghề mới.

“Lúc ấy, thông tin chưa dễ như bây giờ. Tôi chỉ nghe loáng thoáng tại trại nuôi cá bống bớp Cửu Dung, xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được Bộ NN-PTNT chuyển giao kỹ thuật cho cá bống bớp sinh sản. Thế là tôi xách túi lên đường”.

Dường như ông trời ưu ái ông Hải khả năng “học lỏm” siêu việt. Từ một người làm công, bốc vác, thi công, chỉ sau gần nửa năm làm thuê, ông Hải đã học được “bí kíp” cho cá bống bớp sinh sản. Sau khi về đầu quân cho trại tôm Tân Sơn (xã Nga Tân, huyện Nga Sơn), ông mua cá bống bớp bố mẹ về nuôi. Đến thời điểm trứng cá cái chín, ông mổ bụng lấy trứng trộn với tinh cá đực rồi quét lên lưới để theo dõi quy luật sinh sản của loài cá này.

Qua nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng ông cũng thành công. Mười năm làm việc cho trại nuôi này, hàng năm ông đều cho ra đời khoảng 5-6 triệu con cá giống. Năm 2011, ông Hải còn tự mày mò cho hàu, ngao sinh sản thành công. Năm 2016, ông được các hộ nuôi ở Quảng Bình mời vào chuyể giao kỹ thuật cho cá bống bớp sinh sản…

Nuôi tôm trong bể xi măng phát hiện, kiểm tra và xử lý dịch bệnh dễ dàng

Ông Mai Xuân Tạc, chủ đầm tôm Tân Sơn rất khâm phục ý chí và nghị lực cũng như khả năng của ông Hải: “Về lĩnh vực thủy sản, có thể nói, người ta làm được gì thì ông Hải làm được nấy. Mười năm làm cho tôi, ông Hải đã hỗ trợ tôi rất nhiều về kỹ thuật nuôi cũng như cho nhiều loại thủy sản sinh sản thành công. Chính điều này đã giúp trại tôm Tân Sơn có được thành công như bây giờ”.

Sau một thời gian tư vấn kỹ thuật nuôi cho nhiều hộ dân tại Thanh Hóa, năm 2017, khi đã có chút vốn liếng, ông Hải về xã Hải Hòa lập nghiệp. Ông lại tìm đến một hướng đi mới và trở thành một trong những người đầu tiên nuôi tôm trong bể xi măng cho hiệu quả kinh tế cao.  

Khiến 560 m2 "đẻ" tiền tỷ mỗi năm

Không có nhiều vốn để thuê mướn diện tích lớn nuôi tôm, ông Hải đành làm ăn nhỏ. Môi trường nước biển ở Tĩnh Gia thời điểm này tương đối trong lành, chưa bị ô nhiễm. Nhưng ông Hải nhận định, chỉ vài ba năm nữa thôi, khi có nhiều hộ tham gia nuôi tôm, môi trường ít nhiều sẽ bị ô nhiễm. Vì thế phải tìm mô hình nuôi nào có thể cầm chắc phần thắng để lập nghiệp. Qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ thực tế địa phương, đầu năm 2017, ông Hải xây dựng 10 bể nuôi tôm với tổng diện tích 360 m2. Bể được thiết kế rộng 6 x 6 x 1,5m, có mái che, sục khí. Sau khi bể hoàn thành, ông thả tôm thẻ chân trắng với mật độ 300 con/m2. Ông cũng để 200 đầm để nuôi tôm ngoài trời.

Năm 2017, ông Hải thả được 3 vụ tôm, nuôi theo công nghệ sinh học. Sau khi lấy nước biển vào bể, diệt khuẩn, ông Hải dùng men sinh học do mình tự ủ kết hợp với chế phẩm sinh học để lọc nước, gây màu ao, thả tôm. Cứ 3 ngày, việc gây màu cho bể bằng men tự ủ lại được lặp lại. Vào thời điểm nắng nóng, nhờ có hệ thống bạt che, tôm nuôi trong bể xi măng được làm mát và mùa đông được làm ấm. Nhờ vậy, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được tỷ lệ hao hụt.

Giảm chi phí nhân công

Năm đầu tiên làm ông chủ, ông Hải thắng lớn cả 3 vụ, thu về 7,5 tấn tôm. Nhờ nuôi trong bể, việc phát hiện, xử lý dịch bệnh nhanh chóng nên ông Hải có thể yên tâm kéo dài thời gian nuôi. Đến khi tôm có size lớn, bán được giá ông mới xuất ra thị trường nên hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong khi hầu hết các đầm tôm ngoài trời gần như không dám thả tôm vụ 3 thì ông vẫn ung dung thả giống. Vì thế, tôm vụ 3 của ông thu hoạch vào dịp sát Tết Nguyên đán nên bán “đắt như tôm tươi”.

Ông Hải tính giá bình quân xuất tôm đạt 200 triệu đồng/tấn. Tức là năm đầu tiên, từ 360m2, thu hoạch 3 vụ, ông Hải thu về 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi ròng gần 1 tỷ. Cũng nhờ có bể xi măng, sau khi ương dèo để tôm lớn, khỏe mạnh,

ông Hải mới san ra ao nuôi ngoài trời. Lúc này, tôm đã có sức đề kháng cao nên giảm tỷ lệ rủi ro. Vì vậy, đầm tôm ngoài trời của ông cũng cho thu hoạch 3 vụ đạt sản lượng 2 tấn, thu về thêm 400 triệu đồng, lãi ròng trên 200 triệu. Như vậy, chỉ tính 560 m2 nuôi theo mô hình bể xi măng kết hợp đầm nuôi ngoài trời, ông Hải đem về lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng/năm.

Dẫn chúng tôi vào khu nuôi tôm, ông Hải kéo chiếc vó nhỏ lên kiểm tra tình hình tôm nuôi. Ông Hải nói, bể nhỏ, thả được ít nhưng được cái con nào chết là chúng tha ngay vào vó, mình kiểm tra được dịch bệnh để xử lý nhanh.

“Vụ này tôi còn nguyên 10 bể tôm, size đã đạt 50-60 con/kg. Hiện nay cũng có nhiều khách hàng đến mua nhưng tôi còn chờ đến tết, khi đạt kích thước 30-35 con/kg bán thì giá 300 nghìn đồng/kg khách hàng cũng tranh nhau mua”, ông Hải phấn khởi.

Chủ động trong thu hoạch

Theo ông Hải, vì đồng vốn hạn hẹp, đầu tư lớn, nuôi trong bể xi măng tuy không nuôi được số lượng nhiều nhưng được cái ăn chắc; dễ phát hiện và xử lý nhanh dịch bệnh, ít bị ô nhiễm; giảm chi phí nhân công; chủ động trong xuất bán. Vì thế, bước sang năm 2019, ông Hải sẽ đầu tư mở rộng diện tích bể lên 1000m2. Ngoài việc nuôi tôm, ông Hải sẽ tiếp tục thực hiện mô hình cho cá bống bớp sinh sản trong bể xi măng.

“Có thể nói, nuôi trong bể có rất nhiều ưu việt. Nhưng rủi ro lớn nhất đến từ con giống. Con giống bây giờ không phải lứa nào cũng tốt, mẻ nào cũng chất lượng. Bằng chứng là năm nay tôi cũng mất một vụ nuôi nhưng dẫu sao nuôi trong bể vẫn tốt hơn rất nhiều so với nuôi ngoài trời. Những người nuôi tôm rất mong công tác quản lý giống của các cơ quan quản lý Nhà nước ngày càng được siết chặt”, ông Hải chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả nuôi cá nheo Mỹ Hiệu quả nuôi cá nheo Mỹ

Cá nheo Mỹ là loài cá bản địa của Châu Mỹ, được du nhập vào miền Bắc Việt Nam từ năm 2010. Đây là loài cá có giá trị dinh dưỡng cao

06/03/2019
Giải pháp kỹ thuật nuôi thủy sản ứng phó hạn, xâm nhập mặn Giải pháp kỹ thuật nuôi thủy sản ứng phó hạn, xâm nhập mặn

Giải pháp kỹ thuật ứng phó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Nội dung cụ thể như sau:

06/03/2019
Hướng dẫn bệnh cá - Bệnh nhiễm virut mạch máu của cá chép Hướng dẫn bệnh cá - Bệnh nhiễm virut mạch máu của cá chép

Bệnh nhiễm virut mạch máu của cá chép (SVC) là một bệnh truyền nhiễm do vi rút của cá chép (Cyprinus carpio) và các loài cá thuộc họ cá chép khác

06/03/2019