Nuôi Bò Có Thể Mang Lại Giá Trị Kinh Tế Cao Ở Mỏ Cày Nam (Bến Tre)
Tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) có gần 18.500 con. Bà con nông hộ thường chọn nuôi các giống bò ngoại như: Bradman, RedShinhi, Sahiwal, Lymousine và bò lai tạo từ bò địa phương với các giống bò ngoại, phân bố tập trung tại các xã An Thạnh, Thành Thới A, Đa Phước Hội và Tân Trung.
Tại ấp Vĩnh Khánh, xã An Thạnh, con bò là vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao trong những năm gần đây, giúp nhiều nông hộ vươn lên khá giàu.
Gia đình anh Đỗ Văn Ngàn, ở Tổ nhân dân tự quản số 11 là người tiên phong đưa con bò trở thành vật nuôi chính thức để phát triển kinh tế gia đình. Cách đây 5 năm, anh đã mạnh dạn chặt bỏ hơn 1 ha nhãn để trồng cỏ nuôi bò. Được sự hỗ trợ của người thân và nguồn vốn vay, anh mua 5 bò cái Sind về nuôi sinh sản. Qua 3 năm, số bò đã lên đến 10 con, gồm 2 nghé cái và 3 nghé đực. Anh bán 2 nghé cái và giữ lại số nghé đực nuôi thành bò thương phẩm. Đến năm 2009, đàn bò của anh tăng lên 13 con, anh xuất bán 3 bò đực thương phẩm, thu về gần 50 triệu đồng. Hiện tại, số bò của anh Ngàn vẫn giữ ở mức trên 10 con, gồm nái sinh sản và bò đực nuôi thương phẩm, trung bình mỗi năm anh xuất bán bò thịt và nghé cái nuôi sinh sản đạt trên 100 triệu đồng.
Đối với gia đình anh Huỳnh Văn Cưỡng, cùng ngụ Tổ nhân dân tự quản số 11, con bò đã mang lại cuộc sống ổn định. Cách nay hơn 10 năm, anh Cưỡng phải cầm cố hết đất điền để góp đủ số tiền cho ca phẫu thuật tim. Xuất viện về quê với hai bàn tay trắng và tình trạng sức khỏe hạn chế, anh cứ nghĩ cuộc sống của anh và gia đình sẽ lâm vào ngõ cụt. Được người anh rể thương tình cho mượn 1 bò cái về nuôi, qua gần 4 năm, đàn bò của anh tăng lên 4 con. Tại thời điểm đó, bò cái đang sốt giá, khoảng 15 triệu đồng/con, bò nái nhà anh lại sinh toàn nghé cái. Anh bán 2 con để chuộc lại một phần đất đai đã cầm cố. Có đất anh lên bờ trồng cỏ, tiếp tục phát triển đàn bò từ 2 con còn lại. Mỗi năm, 2 bò cái sinh sản cho ra 2 bò con, anh Cưỡng trả lại bò cái cho người anh rể và chăm sóc số bò còn lại đến hôm nay. Hiện tại, đàn bò nhà anh chỉ 4 con, gồm 2 nái sinh sản đang mang thai, cùng 2 bò đực nuôi bán thịt. Từ năm 2008 đến nay, giá bò thịt tăng cao, khoảng 16 triệu đồng/tạ, thì bò cái nhà anh lại sinh sản toàn nghé đực, anh giữ lại nuôi lên bò thương phẩm, nhờ vậy cuộc sống gia đình anh đã ổn định hơn, nhà cửa khang trang và đứa con gái duy nhất của anh đã tốt nghiệp Cao đẳng ngành Tài chính Ngân hàng, hiện đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu anh Đỗ Văn Ngàn và Huỳnh Văn Cưỡng chọn cách nuôi bò nái sinh sản rồi dùng bò đực con nuôi thành bò thương phẩm thì anh Nguyễn Văn Châu (Bảy Cọp) ở Tổ nhân dân tự quản số 4 lại áp dụng theo phương pháp khác. Anh Châu chọn phương pháp mua bò lở (bò đực đạt trọng lượng dưới 300 kg/con) về nuôi lên bò thương phẩm. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm anh xuất chuồng từ 3 đến 5 bò thịt thương phẩm, giá bán từ 12 đến 15 triệu đồng/tạ, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi vài chục triệu đồng/năm. Theo anh Châu, nuôi từ bò lỡ lên bò thịt thương phẩm ít tốn kém công chăm sóc, vốn quay vòng nhanh, vì chỉ một năm là đã xuất bán. Bò lỡ đang sức ăn sức lớn, chỉ cần cung cấp đủ lượng cỏ và bổ sung thức ăn thì bò sẽ lớn nhanh và cho lợi nhuận cao.
Riêng anh Nguyễn Hoàng Phúc chọn phương pháp nuôi hoàn toàn khác so với các hộ trên. Đó là nuôi bò đực giống, khi đạt trọng lượng tối đa thì anh bán bò thương phẩm. Lúc nào chuồng nhà anh Phúc cũng có từ 4 đến 5 bò đực trọng lượng cao nhất gần 800 kg, thấp nhất cũng trên 500 kg để phối giống cho đàn bò trong và ngoài ấp và cứ sau 2 năm sẽ thay con giống khác. Anh Phúc cho biết: “Hiện nay, phương pháp cấy tinh nhân tạo rất tiện lợi nhưng nhiều người vẫn chọn phối giống từ đàn bò nhà anh, vì bò gia đình anh có có vóc dáng đẹp, cao lớn, nhìn bắt mắt”. Nuôi bò đực giống, thời gian phối giống theo kinh nghiệm của anh Phúc đã đem lại lợi nhuận không nhỏ.
Related news
Nhờ nuôi cá lồng bè trên sông, nhiều hộ gia đình ở Bến Tre đã vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng lâu dài, người nuôi cần chú trọng vấn đề môi trường và nuôi theo đúng vùng quy hoạch.
Được triển khai từ tháng 8/2012 tại xã Phước Sơn (Ninh Phước - Ninh Thuận) trên diện tích 2,5 ha, mô hình trồng táo xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả trong việc “sạch hóa” nông sản, là hướng đi phù hợp, tạo chỗ đứng tin cậy trên thị trường.
Mới đây, tại khu vực vườn nhà của gia đình anh Lê Văn Sơn (ngụ ở thôn 10, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) có một cây chuối hiện đã trổ buồng được 186 nải chuối, chiều dài gần 2m, mỗi nải khoảng 15 đến 20 quả (ảnh).