Chọn Hướng Chăn Nuôi Phù Hợp
Trong khi nhiều hộ thua lỗ vì nuôi con đặc sản thì gia đình anh Bùi Văn Chuyền, thôn Trung, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vẫn thu lợi nhuận khá từ nuôi lợn rừng và rắn hổ phì.
Lập gia đình vào năm 2000, khi ấy anh Bùi Văn Chuyền mới 22 tuổi. Thấy các hộ xung quanh mở rộng chăn nuôi, anh cũng làm theo, nuôi đồng thời cả lợn, gà, ngan và dế. Năm 2008, đàn gia cầm gần 400 con sắp được xuất chuồng bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Thêm vào đó, giá bán lợn thịt bấp bênh, chí phí đầu vào tăng cao nên nguồn thu từ nuôi lợn cũng chẳng đáng là bao; giá dế thì xuống thấp, việc chăn nuôi đổ bể.
Đầu năm 2009, được bạn bè giới thiệu, anh tham gia CLB Đa dạng sinh học nông nghiệp Bắc Giang. Tại đây, anh được nhiều chủ trang trại phổ biến cách nuôi con đặc sản. Sau khi nắm bắt kỹ thuật, tìm hiểu thị trường và cân đối khả năng nguồn vốn, anh Chuyền chọn nuôi lợn rừng. Ban đầu, anh mua một con lợn đực và 4 lợn rừng nái.
Tổng đầu tư con giống và xây dựng chuồng trại hết hơn 30 triệu đồng. Anh Chuyền cho biết, chăm lợn rừng không khó, thức ăn của chúng thường là bã đậu phụ, ngô, cám cùi và các loại rau củ. Lợn rừng là giống vật nuôi hoang dã nên có sức đề kháng cao.
Tuy nhiên đề phòng rủi ro, anh vẫn tiêm phòng vắc-xin cho lợn và luôn giữ chuồng trại sạch sẽ. Việc chăn nuôi tiến triển tốt, năm 2011, gia đình anh đã nhân giống lên 10 con lợn nái sinh sản. Trung bình, mỗi lợn nái đẻ 16 con/năm (2 lứa). Năm 2012, anh bán hơn 100 con lợn thương phẩm (khoảng 2,7 tấn hơi) và hàng chục con lợn giống.
Với giá trung bình 130 nghìn/kg lợn thịt, 170 nghìn/kg lợn giống, gia đình anh thu lãi hơn 130 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm nay, anh thu lãi gần 60 triệu đồng từ lợn rừng thương phẩm. Hiện trong chuồng còn hơn 100 con đang phát triển tốt.
Nuôi lợn rừng thành công, có tiền tích luỹ, năm 2012, anh Chuyền tiếp tục mua 50 con rắn hổ phì giống. Đến nay, số rắn này có trọng lượng trung bình 2kg/con (đạt rắn thương phẩm loại 1). Sau một thời gian cho rắn ghép đôi sinh sản, hiện tổng đàn đã tăng lên gần 200 con, trị giá hơn 200 triệu đồng, trong khi chi phí "đầu vào" khoảng 110 triệu đồng.
Dù mới đạt hiệu quả bước đầu song anh Chuyền rất tin tưởng vào thành công từ việc nuôi lợn rừng và rắn hổ phì. Cũng từ khi nuôi hai con đặc sản này, anh nhận thấy để hạn chế rủi ro không nên chăn nuôi theo phong trào, không "ôm đồm" nhiều loại, chọn nuôi con nào là chuyên tâm tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi ấy.
Related news
Vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã ký văn bản chỉ đạo thực hiện một số giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ để hạn chế dịch bệnh và triển khai có hiệu quả vụ nuôi tôm năm 2013.
Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 trận mưa to, kèm theo giông lốc, sấm sét gây thiệt hại về người và tài sản, làm chết 7 người.
Sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với giống vịt thuần chủng Khaki Campell do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Phú Yên thực hiện đã bước đầu mang lại một số kết quả khả quan.