Giá / Tin thủy sản

Nông dân Nam Điền phát triển nuôi trồng thủy sản

Nông dân Nam Điền phát triển nuôi trồng thủy sản
Tác giả: Thanh Tuấn
Ngày đăng: 22/12/2015

Để tạo điều kiện cho nông dân phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo nhân rộng mô hình chuyển đổi diện tích đất ở những vùng trũng sang nuôi thủy sản, tập trung vào các giống con nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, cua biển, ngao, cá bống bớp và các loại cá nước ngọt truyền thống…

UBND xã đã quy hoạch các vùng trũng thành khu nuôi thủy sản, gồm 3 vùng nuôi tập trung; trong đó, vùng nội đồng rộng 120ha, vùng ngoài bãi Tây 74ha và diện tích vùng Cồn Xanh 81ha (đây là đất do huyện giao cho xã quản lý).

Bên cạnh đó, giao cho Hội Nông dân (HND) xã đứng ra tín chấp để các hộ vay vốn phát triển sản xuất.

Đến nay, HND xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng NN và PTNT với tổng nguồn vốn 57,537 tỷ đồng cho 563 hộ vay.

HND xã đã phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc các giống thủy sản cho nông dân.

Chính vì vậy, trong những năm qua phong trào nuôi thủy sản ở Nam Điền đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện, diện tích nuôi thủy sản của xã lên tới 271ha nước mặn lợ và 19ha nước ngọt.

Các con nuôi vùng mặn lợ là tôm, cua biển, cá mú (cá song), cá bống bớp, chủ yếu để phục vụ chế biến xuất khẩu.

Vùng nước ngọt nuôi các loại cá truyền thống cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Thực xóm 7, với diện tích 1,8ha, ông quy hoạch thành 7 ao nuôi, tập trung chủ yếu nuôi xen kẽ cá diêu hồng và tôm thẻ chân trắng.

Hộ ông Vũ Mạnh Hùng, xóm 3, với diện tích 9 sào, nuôi tôm thẻ chân trắng xen canh với cá trắm cỏ.

Ở vùng nước mặn lợ, nhiều hộ dân tập trung nuôi cá bống bớp.

Điển hình như các hộ: ông Phạm Văn Dinh, xóm 3, diện tích 8 sào, vừa kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng, vừa xen canh nuôi cá bống bớp; ông Lại Văn Thanh, xóm 2, diện tích 1ha lại tập trung chủ yếu vào nuôi ương con giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú để cung cấp trong xã và các địa phương lân cận.

Theo các hộ dân, việc nuôi xen canh giữa các con nuôi nhằm tận dụng thức ăn dư thừa của giống cá với tôm, hiệu quả cao hơn thả đơn con.

Đối với tôm thẻ chân trắng, sau 3 tháng thả nuôi từ tôm giống, các hộ tập trung thu hoạch, mỗi năm 2 - 3 vụ tôm.

Đối với cá bống bớp, thu 1 vụ/năm, năng suất cá bống bớp đạt khoảng 2 tấn/ha.

Bình quân hiệu quả trên 1 sào đạt doanh thu 15 - 20 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân 10 - 12 triệu đồng/sào/năm, giá trị thu nhập tăng từ 5 - 7 lần so với trồng lúa kém hiệu quả.

Với việc đẩy mạnh phát triển nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, xã Nam Điền đã và đang tạo ra nguồn thu lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Năm 2015, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt 250 tấn; trong đó, sản lượng nuôi cá nước ngọt đạt 15 tấn, sản lượng nuôi cá bống bớp, cá mú (cá song) đạt 163 tấn; cua, tôm các loại đạt 72 tấn (tăng 12 tấn so với năm 2014).

Tổng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt gần 40 tỷ đồng.

Kinh tế biển có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và chủ quyền tuyến biển.

Để đảm bảo cả lợi ích trước mắt và lâu dài, Đảng bộ xã đã xác định để phát triển kinh tế biển bền vững cần tập trung đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác đồng bộ, đạt hiệu quả kinh tế cao trên tất cả các lĩnh vực: nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ thương mại, chế biến xuất khẩu và du lịch, đảm bảo môi trường sinh thái vùng kinh tế biển bền vững.

Xã đã quy hoạch mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ, hải sản lên trên 300ha với những con nuôi đặc sản.

Cùng với đó là củng cố và nâng cao năng lực các đội tàu đánh bắt xa bờ.

Trong đó, xã bám sát định hướng phát triển của tỉnh, huyện theo hướng phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp đóng tàu thuỷ và công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành đóng tàu thuỷ, cảng biển và Khu kinh tế biển Ninh Cơ.

Tạo cơ hội cho các hộ nông dân phát triển kinh tế biển bền vững, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Trung Tâm Thủy Sản Tỉnh Lào Cai Xuất Hơn 3 Triệu Con Giống Thủy Sản Trung Tâm Thủy Sản Tỉnh Lào Cai Xuất Hơn 3 Triệu Con Giống Thủy Sản

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Thủy sản tỉnh Lào Cai đã cung cấp ra thị trường được 3,13 triệu con cá giống các loại, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2013.

22/12/2015
Ngành Thủy Sản ASEAN Sẽ Xây Dựng Tiêu Chuẩn Chung Trong Nuôi Thủy Sản Ngành Thủy Sản ASEAN Sẽ Xây Dựng Tiêu Chuẩn Chung Trong Nuôi Thủy Sản

Hơn 65 đại diện của ngành thủy sản Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tập trung thảo luận việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho tôm nuôi và nghị định thư Dự án Phát triển thủy sản bền vững (FIP) vào cuối tháng 12/2013 tại Băng Cốc, Thái Lan.

22/12/2015
Hiệp Hội Thủy Sản Bình Thuận Cần Đòn Bẩy Để Giữ Thương Hiệu Thủy Sản Địa Phương Hiệp Hội Thủy Sản Bình Thuận Cần Đòn Bẩy Để Giữ Thương Hiệu Thủy Sản Địa Phương

Sự ra đời của Hiệp hội Thủy sản (Basep) trong 3 năm qua đã thể hiện rõ vai trò cầu nối của mình đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản. Gần 50 hội viên có doanh số chiếm tỉ trọng lớn trong toàn hiệp hội, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh...

22/12/2015