Hiệp Hội Thủy Sản Bình Thuận Cần Đòn Bẩy Để Giữ Thương Hiệu Thủy Sản Địa Phương
Sự ra đời của Hiệp hội Thủy sản (Basep) trong 3 năm qua đã thể hiện rõ vai trò cầu nối của mình đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản. Gần 50 hội viên có doanh số chiếm tỉ trọng lớn trong toàn hiệp hội, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh...
Bước đệm khả quan
Trong 3 năm qua, nhiều doanh nghiệp dù bị đặt trong tình thế khó khăn chung của nền kinh tế thị trường, nhưng vẫn không ngừng đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của Hiệp hội Thủy sản như: Công ty TNHH Hải Nam, Thaimex, Hải Thuận, Nam Hải, Sơn Tuyền, Hải Việt... gần 50 hội viên là doanh nghiệp ở 3 chi hội thủy sản Phan Thiết, thị xã La Gi và Phú Quý.
Bà Tô Tuệ Lang - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản chia sẻ: Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy sản của địa phương vẫn cố gắng duy trì và có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể trong 3 năm qua Công ty TNHH Hải Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 76,21 triệu USD, đưa tổng doanh thu của doanh nghiệp lên gần 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 27 tỷ đồng, đồng thời đóng góp cho hoạt động xã hội hơn 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hải Thuận cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 18 triệu USD, Thaimex đạt kim ngạch xuất khẩu gần 14 triệu USD... Bà Tô Tuệ Lang cũng hy vọng sang năm 2015, hiệp hội sẽ nỗ lực tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và tạo nguồn nguyên liệu bền vững để phấn đấu đạt và vượt kế hoạch 90 triệu USD.
Mặc dù đạt những kết quả ổn định, nhưng nhiều doanh nghiệp của chi hội La Gi hiện cũng đang gặp không ít khó khăn: chưa có khu sản xuất tập trung, khó khăn trong quá trình vận chuyển vì tất cả hàng hóa phải trung chuyển ra ngã ba 46. Quá trình vận chuyển này nhiệt độ sẽ dao động, chất lượng sản phẩm không đảm bảo và chi phí sản phẩm theo đó tăng cao.
Cầu nối cho doanh nghiệp
Hiệp hội Thủy sản là tổ chức đại diện cho tiếng nói và quyền lợi hợp pháp của hội viên doanh nghiệp. Từ đó, hiệp hội phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp thủy sản với chính quyền địa phương, cùng đóng góp vào quá trình phát triển của nền kinh tế, đặc biệt hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh.
Để những năm tiếp theo đạt được những kết quả tốt hơn nữa, Hiệp hội Thủy sản kiến nghị các cấp cần hỗ trợ và phát triển các tàu hậu cần nghề cá, đồng thời mua lại nguyên liệu để giảm chi phí khai thác, hạ giá thành nguyên liệu. Theo thống kê của Hiệp hội Thủy sản, gần 5.000 tàu đánh bắt xa bờ nhưng chỉ có khoảng 50 tàu hậu cần tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm thì không đủ phục vụ khai thác.
Một vấn đề khác, hiện nay mức hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chỉ dừng lại ở mức 30%, nay các doanh nghiệp mong rằng mức hỗ trợ nêu trên sẽ được nâng lên khoảng 50%. Nếu được mức hỗ trợ này, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư, triển khai các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, phòng kiểm nghiệm, công cụ cải tiến chất lượng sản phẩm... mới mang lại hy vọng nhiều hơn cho thủy sản Bình Thuận ở thị trường nước ngoài.
Nguồn bài viết: http://www.baobinhthuan.com.vn/kinh-te/hiep-hoi-thuy-san-binh-thuan-can-don-bay-de-giu-thuong-hieu-thuy-san-dia-phuong-72285.html
Có thể bạn quan tâm
Sáng nay (28/9), Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và UBQG Tìm kiếm cứu nạn vừa ra công điện số 70 gửi các tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng bão số 10 là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Thực tiễn sản xuất đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần có tư duy mới, cách tiếp cận hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp… Mô hình liên kết mới thật sự đạt được mục tiêu như mong muốn: hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, để người nông dân không bị thiệt.
Nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động của địa phương, những năm qua Đảng ủy, UBND Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng - Nam Định) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản. UBND thị trấn đã rà soát thực địa, xây dựng quy hoạch phát triển vùng nuôi. Hằng năm, thị trấn tổ chức từ 8 - 10 lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản cho hàng trăm lượt hộ dân