Nông Dân Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Bống Tượng Ở Hồng Dân (Bạc Liêu)
Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) rất phấn khởi khi thực hiện thành công mô hình nuôi cá bống tượng do Hội Nông dân Việt Nam đầu tư. Từ nguồn cá giống dễ mua và có thể bắt được trong thiên nhiên; thức ăn là những loại cá tạp tận dụng quanh ao, đầm; cá bán ra được giá cao… Những ưu điểm ấy đã thúc đẩy mô hình này ngày càng phát triển.
Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, đầu năm 2011, Hội Nông dân huyện Hồng Dân đầu tư cho nông dân ấp Ngô Kim (xã Ninh Thạnh Lợi) nuôi cá bống tượng thử nghiệm. Những hộ thực hiện mô hình này được đầu tư vốn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi.
Bống tượng là loại cá có giá trị kinh tế cao so với các loại thủy sản nước ngọt khác. Đó cũng là loại cá dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và ít tốn kém chi phí, nhưng đầu ra ổn định và giá bán ở mức cao, đảm bảo có lãi cho người nuôi. Cá bống tượng loại 1 (trọng lượng từ 400 - 800 g/con) có giá dao động từ 350.000 - 430.000 đồng/kg.
Đến nay, nông dân ấp Ngô Kim đã thu hoạch được 2 đợt, mỗi hộ lãi trung bình từ 28 - 30 triệu đồng. Hộ nuôi nhiều có thể lãi trên 70 triệu đồng. Điển hình như hộ ông Trần Quốc An nuôi cá bống tượng rất thành công. Ông An thả cá bống tượng trong một ao khoảng 500 m2. Qua 2 lần tuyển chọn cá lớn (từ 500 - 700 g/con) bán cho thương lái, ông An lãi gần 50 triệu đồng. Những con cá còn nhỏ, ông tiếp tục nuôi chờ thu hoạch tiếp đợt sau. Thấy ông An và các hộ được đầu tư vốn nuôi thành công, 25 nông dân khác đã tự bỏ vốn để nuôi cá bống tượng, khai thác nguồn lợi từ mô hình này. Ông An nhận định: “Nếu nông dân mạnh dạn thực hiện theo mô hình này sẽ rất hiệu quả. Do nguồn cá giống ở địa phương rất dễ tìm, thức ăn có thể tận dụng được quanh nhà, ao đầm nên người nuôi thu lãi cao”.
Ông Dương Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hồng Dân, cho biết: “Qua nuôi thử nghiệm, cho thấy mô hình nuôi cá bống tượng đem lại kinh tế cao cho nông dân. Cách đây 9 tháng, Hội tiếp tục xin đầu tư mở rộng mô hình cho 30 hộ dân ở 2 ấp Sơn Trắng, Vĩnh Bình (xã Vĩnh Lộc) với nguồn vốn 450 triệu đồng. Hiện cá bống tượng phát triển tốt, hứa hẹn cho lãi cao trong đợt thu hoạch vào cuối tháng 5/2013”.
Hình thức Hội Nông dân Việt Nam đầu tư cho nông dân huyện Hồng Dân nuôi cá bống tượng là được tập huấn kỹ thuật, cho vay vốn từ 12 - 25 triệu đồng/hộ (tùy theo quy mô ao nuôi), trả lãi vay 0,6%, mỗi quý 1 lần. Sau 1,5 năm thì hoàn vốn để đầu tư xoay vòng cho những hộ khác. Khi người nuôi gặp rủi ro, việc thu lãi sẽ tạm ngưng.
Cá bống tượng giống khi thả nuôi, tỷ lệ đầu con đạt gần 80%. Loại cá này được thu mua để xuất khẩu nên đầu ra tương đối ổn định. Nhờ nuôi cá bống tượng mà nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống khá hơn.
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo từ Chi cục kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện nay toàn tỉnh còn gần 5.000 con cá sấu không có đầu ra, tình hình này khiến cho hàng trăm hộ nuôi cá sấu bị thiệt nặng về kinh tế. Trong khi đó cá sấu để lâu trong chuồng trại lâu chừng nào thiệt hại kinh tế lớn chừng ấy vì chi phí mua thức ăn cho cá sấu rất cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khi đến thăm vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL ở tỉnh Sóc Trăng, hỏi “Người nuôi tôm cần gì ở Chính phủ?”. Tất cả những người nuôi tôm đều trả lời “thủy lợi”. Ông Nguyễn Hữu Chí, Phó chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nói cụ thể hơn, hệ thống thủy lợi quá khứ để lại chỉ phục vụ trồng lúa, chưa phục vụ nuôi tôm
Được hai ông bạn cùng ở ngoại thành Hà Nội, một là nông dân ở Thạch Thất và một là thạc sỹ, giảng viên Đại học Lâm nghiệp ở Xuân Mai (Chương Mỹ) rủ cùng làm nấm, tôi bảo: Tôi chỉ biết đánh “võ mồm” thôi, ngoài ra chẳng biết gì sất.