Giá / Mô hình kinh tế

Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Dong Riềng

Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Dong Riềng
Tác giả: 
Ngày đăng: 27/07/2013

Trong vài năm trở lại đây, cây dong riềng đã và đang khẳng định ưu thế của mình trong việc giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả. Từ chỗ chỉ được canh tác và chế biến tại một số thôn, xã của huyện Yên Sơn thì nay đã phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Lực Hành, Xuân Vân, Kiến Thiết, Nhữ Hán (Yên Sơn); Kim Bình, Vinh Quang, Linh Phú (Chiêm Hóa); Thượng Lâm, Lăng Can (Lâm Bình)...

Năm 2011, toàn tỉnh có trên 600 ha dong riềng; diện tích dong riềng phân bố tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Sơn 300 ha, Chiêm Hóa 160 ha, huyện Lâm Bình 40 ha; năng suất bình quân năm 2010 đạt 80 tấn/ha; sản lượng 48.000 tấn củ tươi/năm. Sản phẩm bột dong riềng và miến dong Tuyên Quang đã và đang được thị trường trong và ngoài tỉnh ngày càng ưa chuộng

Điển hình là xã Lực Hành (Yên Sơn), trong nhiều năm qua, bà con nông dân trong xã đã đưa cây dong riềng vào trồng trên đất vườn đồi ở khắp 12 thôn bản của xã; nhiều hộ nông dân xã Lực Hành còn tổ chức thu mua dong riềng ở các xã lân cận để sản xuất, chế biến thành bột cung cấp cho thị trường... gia đình anh Hoàng Văn Kiên, thôn Đồng Mán là một trong nhiều hộ gia đình trong thôn vừa kết hợp trồng cây dong riềng vừa thu mua củ tươi để chế biến tinh bột.

Từ nhiều năm nay gia đình anh đã tận dụng đất vườn đồi và đất dưới tán cây ăn quả để trồng cây dong riềng; vụ dong năm qua gia đình anh thu hoạch và chế biến được 13 tấn tinh bột, thu 156 triệu đồng, trừ chi phí còn trên 100 triệu đồng; ngoài ra anh còn thu mua thêm củ dong riềng của nông dân trong xã và các xã lân cận để chế biến tinh bột, mỗi năm gia đình anh chế biến được trên 100 tấn tinh bột bán cho các cơ sở chế biến miến dong ở các tỉnh miền xuôi như: Hà Tây, Bắc Giang, Thái Nguyên...

Anh Phạm Đình Cường, chủ cơ sở chế biến tinh bột dong riềng ở thôn Đồng Vàng cho biết: Từ năm 2008, gia đình anh đã đầu tư trên 100 triệu để xây dựng  xưởng chế biến tinh bột dong cho bà con nông dân trong xã; mỗi vụ sản xuất chỉ tập trung trong thời gian từ 3 đến 4 tháng cuối năm trung bình mỗi năm chế biến được từ 150 đến 170 tấn tinh bột; với giá tinh bột dong hiện nay là 12.000 đồng/kg, giá trị kinh tế đạt gần 2 tỷ đồng; sản xuất dong riềng là nghề mới đã giúp gia đình anh có thêm thu nhập và làm giàu chính đáng; hàng năm gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 đến 15 lao động, với mức lương từ 2,1 triệu đến 3 triệu đồng/người/tháng...

Đồng chí Hoàng Minh Châu, Chủ tịch UBND xã Lực Hành cho biết: Lực Hành là xã có truyền thống và kinh nghiệm trồng và chế biến tinh bột dong riềng từ nhiều năm nay. Toàn xã hiện có trên 70 ha dong riềng, sản lượng hàng năm đạt trên 6.000 tấn.

Cây dong riềng là loại cây rất dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, mức độ đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác; bình quân 1 sào thu được 2,5 tấn củ, bán với giá 1.700 đồng/kg, thu nhập đạt trên 4 triệu đồng/sào (108 triệu đồng/ha/năm). Nhiều gia đình ở các thôn xóm đã đầu tư mua máy móc để chế biến tinh bột, tăng thu nhập và hiệu quả kinh tế; đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của xã.

Năm 2011, số hộ nghèo đã giảm từ 554 hộ xuống còn 477 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn 63,8%. Tuy nhiên ngoài hiệu quả kinh tế rõ rệt mà cây dong riềng mang lại thì hiện nay vấn đề khó khăn mà nông dân các địa phương đang gặp phải là tình trạng ô nhiễm môi trường do việc chế biến sản phẩm chưa có hệ thống và biện pháp xử lý chất thải và tình trạng mất điện do quá tải trong sản xuất.

Hiện các cơ sở sản xuất phải sắp xếp lịch sản xuất luân phiên, làm giảm công suất và năng lực chế biến của các hộ... Vì vậy để ổn định và phát triển sản xuất theo hướng bền vững cần phải được các ngành các cấp, các địa phương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và có giải pháp quản lý chặt chẽ để sử dụng và khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của cây dong riềng ở địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Xuống Giống Trước Lịch Thời Vụ, Rủi Ro Khó Lường Xuống Giống Trước Lịch Thời Vụ, Rủi Ro Khó Lường

Dù nguồn nước chưa đảm bảo cho sản xuất nhưng đến nay Tân Phú Đông (Tiền Giang) đã xuống giống hàng trăm ha lúa hè thu và nguy cơ thiệt hại rất khó lường.

27/07/2013
Tháng 10 Sẽ Công Bố Đề Án Chống Nhập Lậu Thủy Sản Tháng 10 Sẽ Công Bố Đề Án Chống Nhập Lậu Thủy Sản

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng đề án để ngăn chặn chống nhập lậu.

27/07/2013
Than Uyên Giữ Rừng Để Làm Giàu Than Uyên Giữ Rừng Để Làm Giàu

“Gần 605ha rừng của chúng tôi là một lợi thế lớn cho sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái trong tương lai” - anh Trần Văn Minh (nông dân thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, Lai Châu) tâm sự.

27/07/2013