Những Con Bò Xóa Nghèo Từ Dự Án Heifer Ở Bến Tre
Bắt đầu từ xã Thới Thạnh (Bến Tre), năm 2008, Dự án Heifer đầu tư cho địa phương 40 con bò (trị giá ban đầu mỗi con hơn 10 triệu đồng, trọng lượng khoảng 180 kg) dành cho những hộ nghèo, cận nghèo, hộ chí thú làm ăn và có đất chăn nuôi (đất làm chuồng, trồng cỏ, có người chăn).
Phương châm của Dự án là khi con bò nái của Dự án đẻ, nếu là bê đực thì hộ dân sẽ nuôi lớn rồi bán (bằng với số tiền của con bò nái ban đầu) và gửi số tiền này cho Ban Quản lý (BQL) Dự án xã mua một con bò nái tơ khác và chuyển giao cho hộ nghèo liền kề. Nếu con bò nái của Dự án mà đẻ ra bê cái, thì hộ dân nuôi bằng với trọng lượng con bò nái ban đầu, rồi sau đó chuyển giao. Cứ thế, hộ nghèo này chuyển giao cho hộ nghèo khác. Mục đích của Dự án Heifer là sau ba năm, mỗi hộ nghèo đều có một con bò để nuôi và làm tài sản của mình….
Sau ba năm kết thúc Dự án, xã Thới Thạnh được BQL Dự án đánh giá là có thành tích nổi bật. Từ 40 con bò ban đầu, các hộ dân đã chuyển giao, nhân đàn bò lên thành 80 con. Anh Trần Văn Ngợi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, Phó BQL Dự án cho biết: Dự án triển khai cho hộ nghèo ở hai ấp là Xương Thạnh B và Xương Hòa II. Hiện nay, BQL Dự án đang triển khai việc chuyển giao ở chu kỳ ba (40 con bò nái ở chu kỳ II đã đẻ được 8 con bê con (6 con đực, 2 con cái).
Những hộ nhận bò nái ban đầu của Dự án, có hộ đã có lợi nhuận, bò đã đẻ được lứa thứ hai, thứ ba - đây là những con bê mà hộ dân không cần phải chuyển nữa, họ có quyền bán lấy tiền. Năm 2010, Dự án tiếp tục đầu tư cho xã Bình Thạnh với số lượng bò ban đầu lên đến 120 con nái. Anh Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Quản lý Dự án cho biết: Dù chỉ triển khai được hai năm nhưng hiệu quả ban đầu đã rất khả quan, hiện BQL Dự án xã đang chuẩn bị sàng lọc đối tượng và chuyển giao chu kỳ II khoảng 40 con bò cái tơ cho hộ nghèo liền kề. Hiện số hộ có bê con lần II được hơn 10 hộ.
Nhiều hộ khác, bò nái ban đầu đã có mang thai và một số chuẩn bị đẻ. Đầu năm 2012, Dự án Heifer tiếp tục đầu tư cho hai xã Mỹ Hưng và Mỹ An với tổng số đàn bò nái ban đầu 300 con. Anh Bùi Hùng Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An, Phó BQL Dự án cho biết, hiện đàn bò sinh trưởng khá tốt, qua giám sát cộng đồng và theo dõi, có 19 con bò nái đã được thụ tinh và mang thai vài tháng. Tại xã Mỹ Hưng, anh Trần Hữu Tường - Phó Chủ tịch UBND xã, Phó BQL Dự án cũng cho biết, hiện bò nái trong Dự án đã có 25 con đang mang thai.
Anh Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh nhận xét: Dự án được triển khai hai năm, đây là Dự án có hiệu quả nhất tại địa phương, đã góp phần cải thiện đời sống của bà con nghèo. Qua điều tra, theo dõi của giám sát cộng đồng, phần lớn các hộ nhận bò Dự án đều chăm sóc tốt, bò sinh trưởng mạnh, tỷ lệ thụ thai cao. Tại địa phương, một số hộ có lợi nhuận vì có bê con lần II, một số khác bò nái đang mang thai lần II.
Chắc chắn rằng, năm nay hoặc đầu năm tới, lượng bò sinh lần II còn cao hơn. Bà con có lợi nhuận nhiều hơn. Qua đánh giá sơ bộ của địa phương, trong năm nay, số hộ thoát nghèo của xã sẽ cao hơn so với những năm trước. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã Bình Thạnh là 23% (492 hộ). Dự kiến cuối năm sẽ kéo giảm xuống còn khoảng 20%. Tại xã Thới Thạnh, anh Trần Văn Ngợi cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương hiện còn 19% với 392 hộ. Phần lớn số hộ thoát nghèo của năm 2011 là nhờ nuôi bò của Dự án.
Related news
Không cam chịu cuộc sống nghèo khó, chú Đinh Tấn Hùng ở xóm Mái, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn, gà. Mỗi năm cho chú thu lãi 80-90 triệu đồng.
Ngày 6/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương làm việc với Công ty TNHH MTV sản xuất và cung ứng tôm càng xanh Bá Tòng về việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giống tôm càng xanh.
Ông Ngô Văn Sơn, nông dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai), cho biết tại các lễ hội “Trái cây Nam bộ năm 2013” đang diễn ra ở Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) và “Lái Thiêu mùa trái chín” khai mạc sáng 8-6, ông đều mang đến giới thiệu trái bưởi hồ lô. Đây là nhà vườn đầu tiên ở Vĩnh Cửu tạo được trái bưởi hồ lô bán trên thị trường.