Nhà Nông Cần Quan Tâm Đến Kỹ Thuật Canh Tác Lúa Cải Tiến
Nhằm tăng cường áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã triển khai sâu rộng một số kĩ thuật canh tác lúa cải tiến. Để đông đảo người dân chấp nhận và thực hiện kỹ thuật này, công tác tuyên truyền cần được ngành chức năng làm tốt hơn nữa.
Kĩ thuật canh tác lúa cải tiến được áp dụng vào sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2008. Đặc điểm của phương pháp trồng lúa mới này là: Cấy mạ non, mật độ cấy thưa, quản lý rút nước 3 đến 4 lần trong giai đoạn sinh trưởng, sinh dưỡng thay cho việc ngập nước như lối canh tác cũ. Nhờ những đặc điểm nổi bật này mà lượng giống, số phân đạm cũng như chi phí thực hiện giảm đáng kể. Đặc biệt với kĩ thuật quản lý rút nước đã tạo điều kiện thuận cho nhiều chân ruộng giảm độ chua, tăng khả năng chống đổ cây lúa, trong khi đó kích thích cây lúa phát triển, điều này đặc biệt hữu ích đối với những diện tích lúa khan hiếm nguồn nước tưới. Với những ưu điểm này, người nông dân sẽ nắm rõ quy trình thực hiện của cấy lúa từ lúc làm mạ cho đến khi thu hoạch.
Chị Thêm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bản Đồn 1, xã Xuất Hoá cho biết: "Từ khi tham gia vào lớp kĩ thuật canh tác lúa cải tiến này, chúng tôi đã áp dụng rất hiệu quả vào thời vụ; năng suất, sản lượng cây trồng cũng vì thế mà tăng. Hiện rất nhiều hội viên và bà con trong thôn đều làm theo kĩ thuật mới này, từ cách làm mạ, kỹ thuật làm đất, mật độ cấy, kỹ thuật sử dụng phân bón, điều tiết nước". Hiện nay, tại một số địa phương như: Huyện Bạch Thông, xã Thượng Giáo (Ba Bể), xã Xuất Hóa (Thị xã Bắc Kạn) nhờ thực hiện canh tác lúa cải tiến mà năng suất trung bình đạt 50 đến 70 tạ/ ha.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng- Trưởng phòng Trồng trọt thuộc Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: "Kĩ thuật canh tác lúa cải tiến được triển khai trên hầu hết 8 huyện, thị dưới hình thức tổ chức các lớp tập huấn, thực hành trên ruộng. Tham gia vào lớp học này, người nông dân sẽ được cầm tay, chỉ việc, nắm rõ quy trình canh tác lúa sao cho đạt hiệu quả. Ưu điểm khi áp dụng kỹ thuật canh tác này sẽ giảm được lượng giống, tiết kiệm nước, giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hiệu quả năng suất cao hơn sản xuất thường từ 20-25%".
Tuy nhiên, cũng theo ngành chức năng nhận định, do thói quen sản xuất, tập quán canh tác lúa lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên số lượng bà con nông dân chấp nhận và thực hiện lối canh tác mới này vẫn chiếm số ít. Theo thống kê của Phòng Trồng trọt- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Kạn, tính đến đầu năm 2011, số lượng người nông dân tham gia chỉ chiếm hơn 30%.
Kĩ thuật canh tác lúa cải tiến đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân trong sản xuất lúa, góp phần đẩy mạnh và tăng năng suất cây trồng. Song để nhân rộng kỹ thuật canh tác mới này đến với đại bộ phận người nông dân trên địa bàn tỉnh, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt sự nhìn nhận khách quan từ chính nhà nông, có như vậy sản xuất nông nghiệp tại địa phương mới được đảm bảo, bền vững và phát triển./.
Có thể bạn quan tâm
Vụ mùa năm nay, huyện Cẩm Khê gieo trồng 3.250 ha lúa các loại trong đó gần 70% là diện tích lúa lai và lúa chất lượng cao. Các giống được gieo trồng chủ yếu như: Nhị ưu số 7, 838, Thục hưng 6, Q5 và các giống lúa thuần, giống có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của các hộ dân như: Bao Thai, Khang dân 18, Khang dân đột biến, Hương thơm số 1, Nếp 97.
Nổi tiếng và từng đi vào thi ca, song quýt làng Hương Cần, xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà - Thừa Thiên Huế) trải qua bao năm tháng thăng trầm. Vượt qua nhiều thách thức, đến nay quýt Hương Cần vẫn giữ được vị ngọt thơm nồng nàn đặc trưng.
Tỉnh Bình Ðịnh là một trong những địa phương có đàn bò nhiều nhất khu vực miền Trung với tổng đàn trên 246 ngàn con, tỉ lệ bò lai chiếm gần 69% tổng đàn. Thời gian qua, nhờ làm nghề chăn nuôi vỗ béo bò, nhiều hộ nông dân trong tỉnh có thu nhập khá cao.