Nghề Chăn Nuôi Heo Cần Hỗ Trợ Ở Đồng Tháp
Một năm trôi qua ở Đồng Tháp, nghề chăn nuôi heo phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bài toán về giá cả hiện nay đang khiến họ thêm nặng gánh, giá bán thấp hơn giá thành. Trong khi đó, việc vay vốn ngân hàng cũng không phải dễ dàng...
Theo tính toán của người chăn nuôi, hiện nay giá thành đầu tư cho một tạ heo đã lên đến 3,7 triệu đồng (chưa tính tiền con giống) trong khi giá bán hiện tại dao động từ 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ khiến cho người nuôi thua lỗ khoảng 800 - 1 triệu đồng/tạ.
Ông Nguyễn Văn Nương, phường 2, thị xã Sa Đéc chia sẻ: “Hiện người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá heo rớt kéo dài, buộc phải giảm đàn hoặc treo chuồng. Nhà tôi vừa xuất chuồng khoảng 42 con nhưng đều vượt ký do phải chờ giá”.
Nhiều hộ nuôi cho rằng, nghề làm bột nuôi heo là nghề truyền thống nên dù khó khăn họ vẫn bám trụ để chờ giá lên. “Mặc dù nghề làm bột nuôi heo có lỗ nhưng nghề này đã gắn bó với gia đình tôi mấy chục năm nay, không biết bỏ nghề rồi chuyển sang nghề khác thì như thế nào nên tôi vẫn cứ tiếp tục nghề với niềm tin giá heo sẽ trở về thời hoàng kim. Nhưng chờ đợi đến nay cũng đã trên 1 năm rồi”, ông Nguyễn Văn Đê, xã Tân Phú Trung nói.
Ông Nguyễn Văn Nương lý giải, giá heo sụt giảm là do tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước giảm sút, trong khi đó nguồn cung vượt cầu. Đồng thời, khi sản phẩm heo bắt đầu có giá ngất ngưỡng thì việc nhập lậu thịt qua các con đường tiểu ngạch là tác nhân khiến cho giá heo sụt giảm nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, số lượng đàn heo cũng đã giảm xuống rất nhiều. Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay tổng đàn thực tế là 141.420 con, tuy nhiên so với tháng ba đã giảm 6.000 con.
Bên cạnh đó, đây là thời điểm nhạy cảm, đàn heo có thể nhiễm bệnh tai xanh, lở mồm long móng gây áp lực kép cho nghề chăn nuôi heo. Ông Lê Thành Thọ, xã Tân Phú Trung chia sẻ: “Nếu như trước đây việc tiêm phòng chỉ sơ sài thì hiện nay được chúng tôi quan tâm hàng đầu, nếu lơ là, heo mắc bệnh sẽ không thể kiểm soát, hao hụt đầu con, lúc đó người nuôi heo lại lỗ nặng thêm”.
Tình hình chăn nuôi còn nhiều khó khăn nên thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những chính sách cho vay chăn nuôi và thủy sản như tạo điều kiện giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với các khoản vốn đã vay, đồng thời tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất 11% cho các đối tượng Hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình...
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, trên tinh thần Công văn 1149 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người chăn nuôi và thủy sản thì dư nợ được gia hạn đến cuối tháng 4 là 23 tỷ đồng, trong đó 20 tỷ đồng đối với gói gia hạn 6 tháng và 3 tỷ đồng gói từ 6 tháng trở lên, số lượng khách hàng có dư nợ được gia hạn chỉ 1 doanh nghiệp và 57 hộ gia đình.
Bên cạnh đó, tình hình cho vay mới doanh số cho vay là 4.752 tỷ đồng, doanh số thu nợ 3.802 tỷ đồng. Theo đó, dư nợ cho công tác này là 3736 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 3.493 tỷ đồng, nợ trung dài hạn 243 tỷ đồng, số khách hàng tiếp cận có 23 doanh nghiệp, trên 6.000 hộ cá nhân.
Theo con số thống kê này, thì đây được xem là bước tiếp sức cho người chăn nuôi, song nhu cầu đối với người chăn nuôi là rất lớn. Những hộ chăn nuôi cho biết, muốn tiếp cận với vốn ngân hàng, bắt buộc họ phải có những thủ tục liên quan thế chấp tài sản để tránh thất thoát đồng vốn, vì thế việc tiếp cận vốn mới nhiêu khê, cơ hội tái sản xuất là mong manh.
Anh Huỳnh Văn Cười, xã Tân Phú Đông cho hay: “Hiện chúng tôi hy vọng ngân hàng cho vay tín chấp hơn là thế chấp hoặc có chính sách ưu tiên gì để tiếp cận nguồn vốn mới vì hiện nay toàn bộ tài sản đã thế chấp hết rồi. Nếu không có nguồn vốn thì người dân phải xoay vốn bên ngoài với lãi suất cao ngất ngưỡng để chăm chút cho đàn heo, khiến cho người dân đã khó càng thêm khó”...
Có thể bạn quan tâm
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhờ có hướng đi đúng đắn cùng sự đồng sức đồng lòng, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, Xuân Phổ (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đã thay da đổi thịt từng ngày.
Do hiện nay cá tra tra giống tại ĐBSCL đang có xu hướng giảm nên trong thời gian tới Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (RIA 2) sẽ tạm ngưng cung cấp cá tra giống bố mẹ ra thị trường và chưa cho biết thời gian khi nào cung cấp trở lại.
Ngày 19/02/2013, tại hội trường khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ thuộc ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển kỹ thuật nuôi cá chẽm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Khoa Thủy Sản - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Chi cục Thủy sản Hậu Giang tổ chức buổi tập huấn “Kỹ thuật ương nuôi cá chẽm” cho hơn 30 cán bộ kỹ thuật và nông dân các xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu, Vĩnh Viễn A.