Nâng Cao Thu Nhập Từ Rau An Toàn
Câu lạc bộ rau an toàn xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp - Hậu Giang) ra đời không chỉ mở ra hướng đi mới mà còn tạo cung cách làm ăn theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả.
Câu lạc bộ rau an toàn ấp 1, xã Thạnh Hòa được thành lập năm 2006 với 14 thành viên. Ông Võ Kỳ Sơn, Chủ nhiệm CLB cho biết: "So với cách trồng màu truyền thống thì trồng rau màu an toàn có nhiều ưu thế hơn, vì kinh phí đầu tư thấp, năng suất cao. Ví như việc trồng màu bằng màng phủ có lợi thế là sự phản chiếu của màng phủ ngăn không cho sâu bệnh gây hại. Lượng phân bón không bị rửa trôi, tiết kiệm một phần chi phí, năng suất không hề thua kém so với cách trồng thông thường".
Chị Tống Thị Phương, thành viên CLB rau an toàn cho biết: "Tham gia CLB có nhiều cái lợi, nhất là được hỗ trợ giống, kỹ thuật... Vụ này, tôi trồng 4 công dưa leo (1 công = 1.000m2), với giá bán 3.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận thu được hơn 10 triệu đồng. Trồng rau màu theo hướng an toàn, đầu ra luôn thuận lợi, thương lái vào tận rẫy thu mua, chỉ thỏa thuận về giá cả". Theo chị Phương, trồng theo mô hình này chỉ cực trong giai đoạn làm giàn, buộc đọt… Trung bình 31-33 ngày sau khi xuống giống là cho thu hoạch và thu hoạch liên tục trong vòng 15-25 ngày, có khi lên đến 40 ngày nếu chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi. So với các cây trồng khác, trồng màu thu nhập cao hơn vì sản xuất được nhiều vụ trong năm.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hòa cho biết: "Là địa phương được chọn xây dựng nông thôn mới nên xã quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực, trong đó có củng cố các CLB, tổ hợp tác. Hàng năm, xã ưu tiên hỗ trợ về kỹ thuật, giống mới cho nông dân, trong đó có CLB rau an toàn. Tuy nhiên, hiện nay nông dân xã Thạnh Hòa gặp không ít khó khăn do nhiều vùng chưa có đê bao khép kín làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm khi lũ về. Sắp tới, xã sẽ hệ thống hóa các tuyến đê bao khép kín để bà con yên tâm sản xuất"
Có thể bạn quan tâm
Xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) được xem là “cái nôi” của nghề nuôi cá bởi địa phương có dòng sông Bảo Định chảy qua cung cấp nước ngọt quanh năm. Nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước mương, vườn sẵn có và đầu tư đào ao nuôi cá các loại, trong đó chủ lực là con cá tai tượng bởi ít tiêu tốn thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xác định công tác quản lý giống thuỷ sản là vấn đề trọng tâm, ngay từ đầu vụ sản xuất, Tổng cục Thủy sản đã triển khai công tác kiểm tra chất lượng đàn thủy sản bố mẹ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất giống. Qua đó, tình trạng tự gia hóa tôm thẻ chân trắng bố mẹ ở một số doanh nghiệp đã được phát hiện và chấn chỉnh.
Mô hình ương nuôi cá lóc giống thời gian gần đây phát triển rất mạnh ở các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân của tỉnh An Giang. Điều đáng lưu ý là ở nhiều vùng nông thôn đang rộ lên phong trào lấy đất nông nghiệp để đào ao, vuông thả cá lóc.