Vươn Lên Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Cút
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kim Đâu nghèo khó, 10 tuổi, anh Lê Hữu Dũng đã phải theo cha ra đồng cày cuốc từ lúc trời chưa tảng sáng, công việc đồng áng nhọc nhằn mà đến mùa hạt lúa thu về chỉ đủ thanh toán tiền phân bón, tiền mua giống lúa, thuốc trừ sâu..., nông dân chỉ lấy công làm lãi.
Năm 20 tuổi, anh quyết định theo học nghề thợ mộc với mong muốn kiếm được cái nghề tạm gọi là ổn định, nhưng ở làng quê này người theo nghề mộc như anh ngày một nhiều mà nhu cầu của bà con thì không nhiều hơn được là bao. Nghề thợ mộc dần trở nên bấp bênh. Luôn ấp ủ trong mình khát vọng vươn lên thoát nghèo chính đáng bằng sức lực của mình, sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ tìm kế thoát nghèo, anh Dũng quyết định nuôi thử chim cút.
Anh phấn khởi kể về những ngày đầu khởi nghiệp của mình: "Nhận thấy nhu cầu trứng cút thị trường ở quê mình khá nhiều, nhất là vào mùa cưới hỏi, tiệc tùng, trong khi người nuôi cút ở tỉnh mình còn ít nên tôi quyết định chọn nghê này.
Mặc dù những ngày đầu còn e ngại vì ở Cam Lộ chưa có hộ gia đình nào nuôi chim cút, nhưng cứ nghĩ nếu mình quyết tâm chắc sẽ thành công. Hồi đó (năm 2002), suốt hơn 2 tháng trời, tôi lặn lội tận Thừa Thiên- Huế, tìm đến những trang trại nuôi chim cút để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi loại chim này, rồi về bàn với vợ vay 10 triệu đồng mua 1.000 con giống về nuôi lấy trứng, chưa đầy một năm vợ chồng tôi hoàn trả hết số nợ ban đầu". Ước tính thu nhập từ chim cút trong năm đầu của vợ chồng anh Dũng lên đến 50 triệu đồng. Đây là một số tiền rất lớn đối với hoàn cảnh kinh tế còn nghèo khó như gia đình anh.
Công việc làm ăn đang xuôi chèo mát mái được khoảng 2 năm, thì đùng một cái, dịch cúm gia cầm cuốn sạch cơ ngơi chim cút, làm vợ chồng anh trắng tay, nợ nần lên đến 40 triệu đồng. Những tưởng như thế đã sạt nghiệp, nhưng bằng nghị lực và ý chí vươn lên, anh đã gượng dậy gây dựng lại cơ nghiệp.
Anh Dũng kể lại: "Cả cơ ngơi chim chết sạch, nợ nần chồng chất, thấy con cực quá, ngày mô mẹ tôi cũng khuyên hai vợ chồng đừng theo đuổi nghề nuôi chim nữa. Nhưng tôi thì nghĩ khác, làm ăn có lúc phải chấp nhận rủi ro. Cũng may là hai vợ chồng đều đồng sức, đồng lòng, cùng chung lưng đấu cật quyết tâm làm lại từ đầu nên khó khăn dần được khắc phục". Để có vốn làm lại chuồng chim cút, vợ chồng anh mua vịt về nuôi, rồi sau đo bán vịt để mua lại con giống chim cút. Cứ thế mà phát triển dần lên. Đến nay, trang trại của anh có đến 3.000 con, lúc đông nhất lên đến 4.000 con.
Anh cho biết: "Chim cút đẻ trứng quanh năm, cứ bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi xuất bán ra thị trường 1.000 quả trứng và 300 con chim thịt. Theo thời giá hiện tại, ước tính tổng số tiền thu được mỗi ngày khoảng 500 đến 600 ngàn đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 ngàn đồng".
Không dừng lại ở đó, vợ chồng anh Dũng còn dự định mở rộng trang trại nuôi cút và xây dựng lò ấp để chủ động nguồn con giống, cũng như kịp thời cung cấp sản phẩm chim thịt đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhờ vào thu nhập từ mô hình nuôi chim cút, vợ chồng anh Dũng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, 4 đứa con được tạo điều kiện ăn học đầy đủ. Ngoài ra, anh luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ bà con trong thôn có hoàn cảnh khó khăn và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm nuôi chim cút cho những hộ nông dân muốn làm theo mô hình này.
Chị Phạm Thị Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An cho biết: "Anh Dũng là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo ở địa phương, đồng thời mô hình nuôi chim cut của anh là một mô hình điểm của xã Cam An. Hiện chúng tôi đang khuyến khích hội viên mở rộng phương thức phát triển kinh tế theo mô hình này".
Với nhu cầu thị trường lớn như hiện nay, phát triển nuôi chim cút là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Tấm gương về nghị lực vượt khó, lòng quyết tâm và sự táo bạo trong nếp nghĩ, cách làm của anh Dũng xứng đáng cho nhiều nông dân noi theo để phát triển kinh tế gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Gần đây, do lợi nhuận từ việc trồng keo giấy khá cao, nông dân Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) mở rộng diện tích trồng keo giấy vụ mới. Hiện nay, các vườn ươm tại Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bán cây con (chủ yếu giống keo giâm hom) dao động từ 600 đồng đến 700 đồng/1 cây keo giấy, tuy nhiên nguồn cung cũng chỉ đủ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trồng rừng của người dân. Trung tâm Dịch vụ thương mại Khánh Vĩnh đã mua 165.000 cây keo lai giâm hom từ các tỉnh khác để đáp ứng nhu cầu trồng rừng của bà con.
Hàng chục hộ dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm vừa hoàn tất vụ thu hoạch. Kết quả mang lại khả quan với 1 ha trong mô hình, thời gian nuôi 6 tháng, các hộ thu được hơn 1.800 kg tôm càng xanh thương phẩm, trị giá gần 400 triệu đồng.
Năm 2012, Trường Đại học Tây Nguyên và Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên đã triển khai "Dự án chăn nuôi động vật ăn cỏ tại vùng tam giác Việt Nam, Lào, Campuchia” tại hai xã là Tâm Thắng, Nam Dong (Chư Jút).