Nâng Cao Chất Lượng Con Giống Tôm Càng Xanh Năm 2013 Ở Đồng Tháp
Năm 2012, diện tích nuôi tôm càng xanh toàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 1.285 ha, đạt 58 % kế hoạch, sản lượng hơn 1.600 tấn, năng suất trung bình 1,3 tấn/ha. Tập trung nhiều nhất ở các huyện: Tam Nông, Lấp Vò, Cao Lãnh và TX. Hồng Ngự. Hiện toàn tỉnh có 25 cơ sở sản xuất giống và 10 cơ sở ngoài tỉnh có đủ năng lực và điều kiện sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 353 triệu tôm giống phục vụ người nuôi, chưa xảy ra hiện tượng thiếu hụt con giống.
Năm nay, nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng vào các vùng dự án như: điện, lộ giao thông, đào mới và nạo vét kinh tạo nguồn... đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Giá tôm càng xanh thương phẩm luôn cao và ổn định giúp người nuôi yên tâm sản xuất. Các cơ quan chuyên môn như: Thú y, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư, các Viện, Trường đã tích cực chuyển giao các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, các phương pháp phòng trị bệnh có hiệu quả. Tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề nhằm giúp hộ nuôi cập nhật thông tin mới và nâng cao trình độ sản xuất.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng thành lập các tổ theo dõi cánh đồng tôm, phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống vùng nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, theo dõi để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; thực hiện mô hình kiểm soát bệnh định kỳ hàng tháng nhằm chủ động trong công tác phòng trị bệnh.
Tuy nhiên, năm nay do mực nước lũ thấp đã gây ảnh hưởng đến môi trường sống và tốc độ sinh trưởng của tôm. Nhiều hộ nuôi tôm vào mùa nghịch, chất lượng tôm giống không đảm bảo dẫn đến tôm chậm lớn, tỷ lệ hao hụt cao. Bên cạnh đó, đa số người nuôi nguồn vốn còn hạn chế, vốn vay ngân hàng theo định mức chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong việc tiêu thụ, các công ty thực hiện ký kết thu mua tôm còn rất ít, việc ký kết chưa chặt chẽ, phần lớn người nuôi bán cho thương lái nên dễ bị ép giá. Giá cả thị trường biến động nên việc thỏa thuận thuê đất trong các vùng dự án nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do chủ đất đưa mức thuê lên cao...
Khai thác tiềm năng, tận dụng lợi thế mùa nước nổi, năm 2013 tỉnh Đồng Tháp phấn đấu diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 1.300 ha, sản lượng 1.943 tấn, tăng 15ha và 277 tấn so với năm 2012. Ngoài việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý dịch bệnh, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất và nâng cao chất lượng con giống, tạo ra những con giống sạch bệnh, giá thành hạ.
Hiện nay nhu cầu con giống rất lớn, nhưng các cơ sở sản xuất trong tỉnh chưa đáp ứng đủ. Để đảm bảo cung cấp đủ con giống đạt chất lượng, kịp thời vụ, ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi chủ động đăng ký mua con giống với các cơ sở uy tín trong và ngoài tỉnh, không thả nuôi con giống không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống thủy sản. Xử lý kịp thời những cơ sở không đủ điều kiện hoạt động; xây dựng các mô hình nâng cao chất lượng từ nguồn tôm giống đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tuyển chọn. Nâng cao vai trò của Hiệp hội Thủy sản, hợp tác xã làm cầu nối với các doanh nghiệp giúp người nuôi tiêu thụ sản phẩm.
Related news
Mô hình lúa - tôm càng xanh phát triển mang tính bền vững cho ra những sản phẩm sạch. Trong quá trình chăm sóc và quản lý, bà con nuôi tôm cần lưu ý một số vấn đề
Mọi năm, cứ đến mùa vải, cả huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) tấp nập khách thập phương và thương lái đến mua vải. Nhưng năm nay, thị trường quả vải trầm hẳn, nguyên nhân là do mất mùa. Nỗi buồn của người trồng vải ở Hữu Lũng bị nhân đôi bởi không những mất mùa, mà giá vải bán lại thấp. Vải ở Hữu Lũng năm nay chẳng ngọt mà cứ “đắng” dần.
Cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia châu Âu khiến cho ngân hàng ở nhiều nước hạn chế các khoản vay và điều kiện cho vay, nhà nhập khẩu buộc phải cắt giảm đơn hàng, thậm chí đàm phán hạ giá gây ra rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam