Mô Hình Trồng Nấm Sạch Đem Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Bằng sự quyết tâm theo đuổi cái nghề yêu thích, ông Vũ Văn Sinh, ở thôn Nà Nàng, xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn đã thành công với mô hình trồng nấm sạch, sản phẩm làm ra đã bước đầu được tiêu thụ rộng trên thị trường thị xã Bắc Kạn.
Ngôi nhà đất nằm ngay sát khu vực ngã ba đường vào xã Nông Thượng chính là nhà ở của ông Vũ Văn Sinh, nếu chỉ lướt đi qua đó ít ai biết được rằng đằng sau ngôi nhà vách đất tuềnh toàng kia lại là những gian nhà cấy nấm rộng rãi, quy mô và chứa đựng sự tâm huyết của chủ nhà.
Tiếp chúng tôi bên ấm chà nóng ông Sinh kể lại hành trình 10 năm gian nan làm nấm của mình: Sinh ra và lớn lên ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nhưng cuộc sống đã đưa đẩy ông đến với nghề nấm như một cơ duyên, ông nhận thấy rằng Việt Nam rất nhiều sản phẩm phụ do người nông dân làm ra như rơm, mùn cưa, bã mía nhưng bị bỏ đi rất lãng phí, những nguyên liệu đó hoàn toàn có thể tận dụng để sản xuất nấm.
Chính vì vậy ông đã đến Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật ở Hà Nội để học nghề làm nấm với thời gian vài tháng. ở đây ông được các thầy giáo chỉ bảo tận tình về phương pháp làm các loại nấm, cậu học trò chuyên cần ngày đó đã được mời đi giảng dạy ở các cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên đồng lương eo hẹp ngày đó không đủ cho ông trang trại cuộc sống.
Với suy nghĩa phải phát triển nghề nấm, ông Sinh đã dựng nhà nấm ở ngay trên quê hương Xuân Trường của mình, song xưởng nấm mới chỉ hoạt động một thời gian thì nhà nước giải tỏa để lấy đất làm khu công nghiệp.
Muốn làm nấm chất lượng, có hiệu quả cao thì phải có mặt bằng, với suy nghĩ đó ông Sinh đã được người quen ở trên Bắc Kạn giúp đỡ về mặt bằng, và nơi đến chính là thôn Quan Nưa, xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn. Năm 2012, ông Sinh và vợ khăn gói lên đây nhằm thực hiện mục đích làm giàu với nghề nấm.
Sau khi bỏ hết số vốn là 350 triệu đồng để thuê đất, dựng nhà, mua dụng cụ lò hấp, lò hơi, nguyên liệu….thì ông lại gặp phải rủi ro liên quan đến đất ở nên một lần nữa 2 vợ chồng lại chuyển đi nơi mới sau khi chấp nhận lỗ đi cả trăm triệu tiền thuê đất, dựng nhà xưởng…
Lần này ông tìm hiểu kỹ hơn về chỗ mà mình dựng cơ nghiệp, may mắn thay ông đã thuê được mặt bằng với diện tích gần 1.000m2 ở thôn Nà Nàng, xã Nông Thượng, rất gần với trung tâm thị xã. Nơi này lại gần xưởng sản xuất gỗ nên rất tiện lợi cho gia đình ông thu mua nguyên liệu mùn cưa để làm nấm.
Sau khi bắt tay vào công việc, lần này ông lại mất thêm số tiền kha khá để làm lại từ đầu, bằng sự nhẫn nạn sau một năm nỗ lực những sản phẩm nấm mà 2 vợ chồng ông Sinh làm ra đã đến với thị trường. Với diện tích nhà nấm hiện tại hàng năm ông có thể đóng tới 2 đến 3 vạn bịch nấm, chủ yếu là nấm sò trắng, sò nâu, mộc nhĩ.
Do làm gối vụ nên quanh năm ngày tháng ông đều có nấm để bán, có ngày cao điểm bán được 30kg, giá trung bình 1kg là 40.000 đồng, còn lại bình quân 1 ngày bán 10kg, riêng nấm mộc nhĩ bán được giá 90.000 đồng/kg loại khô. Có những ngày xưởng còn không đủ nấm để bán.
Ông Sinh khảng định “Đây có thể coi là nấm công nghệ cao vì mọi công đoạn đều được xử lý qua lò hấp với thời gian ủ lên đến 4 tiếng ở nhiệt độ 100 độ c, chính vì vậy bịch nấm đã được khử trùng, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người sử dụng” . Theo ông Sinh thì ở Bắc Kạn nhiệt độ phù hợp cho trồng các loại nấm, nhưng thời điểm thích hợp nhất để làm nấm bắt đầu từ tháng 8 âm lịch vì lúc này nhiệt độ khá mát mẻ.
Làm ra sản phẩm nấm không phải quá khó như nhiều người vẫn nghĩ nhưng cũng không hẳn là dễ, có những lúc 1 mẻ nấm bị hỏng, mất đi 5 đến 7 triệu đồng là chuyện thường. Điều quan trọng là phải nắm vững khoa học kỹ thuật, nhất là các yếu tố như nhiệt độ phải đảm bảo giữ ở mức trên dưới 25 độ c như thế thì nấm mới ra đều, nếu không tuân thủ đúng kỹ thuật thì bịch nấm sẽ bị hỏng, thối.
Hiện nay sản phẩm nấm do ông Sinh sản xuất ra đều làm từ nguyên liệu từ mùn cưa, theo ông lý giải thì nấm từ mùn cưa sẽ ngon và thơm hơn nấm làm từ rơm, để tăng độ dinh dưỡng cho nấm trong quá trình sản xuất ông còn trộn mùn cưa với các gia phụ như cám gạo, bột gạo, khi ăn nấm sẽ ngọt, bùi.
Qua mô hình sản xuất nấm của gia đình ông Sinh có thể thấy được thành công bước đầu với thu nhập mỗi năm có thể lên đến cả trăm triệu đồng, bên cạnh đó xưởng nấm tuy nhìn vào đơn giản nhưng thường xuyên tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động địa phương.
Là người khá cởi mở trong cách làm kinh tế nên ông Sinh còn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho những người trồng nấm trong vùng mà không đòi hỏi công cán gì.
Thời gian tới ông còn tiếp tục sản xuất thêm loại nấm có giá trị kinh tế cao là nấm linh chi. Tin rằng với hướng đi như vậy mô hình trồng nấm của ông Sinh sẽ thu lại lợi nhuận cao, đây là một trong những hướng làm giàu hiệu quả đối với những ai biết học hỏi, kiên trì mà mạnh dạn.
Related news
Ông Huỳnh văn Hổ, nông dân ấp Mỹ Long, xã Mỹ An huyện Chợ Mới (An Giang), những năm gần đây khá lên nhờ áp dụng mô hình trồng bắp, nuôi bò và sử dụng phân bò làm khí đốt biogas. Đây là mô hình đang được ngành nông nghiệp huyện Chợ Mới khuyến cáo nông dân áp dụng rộng rãi nhằm tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, mặt khác vừa cải thiện môi trường, tiết kiệm chi phí nhiên liệu nấu ăn, sinh hoạt hằng ngày.
“Chuyển giao kỹ thuật nuôi thâm canh bò giai đoạn bú sữa và sau cai sữa” là mô hình nằm trong phạm vi hợp phần Dự án cạnh tranh nông nghiệp Gia Lai. Sau 6 tháng triển khai tại xã Kông Yang (huyện Kông Chro - Gia Lai), dự án đã kết thúc và cho thấy những kết quả khá tích cực.
UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt quyết định hỗ trợ đầu tư cho nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập và đạt mục tiêu xây dựng 60.000 ha vùng lúa chất lượng cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ hơn 12 tỉ đồng cho nông dân trong tỉnh trồng lúa chất lượng cao và sản xuất lúa giống nguyên chủng, giống xác nhận trong vụ hè thu 2013 theo quyết định này.