Mô hình trồng chuối già Nam Mỹ nuôi cấy mô góp phần đa dạng hóa cây trồng
Chuối Nam Mỹ rất dễ trồng, ít kén đất, chịu được vùng đất nhiễm phèn mặn. Thời gian cho thu hoạch khoảng 12 tháng (trồng bằng cây giống nuôi cấy mô), cây sinh trưởng nhanh, khỏe và ít bệnh, năng suất bình quân từ 35 - 40kg/quày chuối, khi chín quả có màu vàng ươm, có mùi thơm và dẻo. Hiện nay, chuối già Nam Mỹ được bán trong hệ thống siêu thị với giá trên 25 ngàn đồng/kg, cao hơn nhiều so với các giống chuối khác nhưng người tiêu dùng vẫn quan tâm và chọn mua. 1ha trồng chuối Nam Mỹ với khoảng 2 ngàn cây (có mật độ trồng 2 x 2,5m), thu hoạch có thể lên đến 70 - 80 tấn chuối. Ước tính với giá thu mua tại vườn là 5 ngàn đồng/kg, trừ các khoản chi phí đầu tư, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Với hiệu quả thực tế trên, cùng với thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa được mở rộng, dự báo cây chuối Nam Mỹ sẽ có khả năng phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, việc chuyển đổi sang giống cây trồng này là một hướng đi đúng cho xã An Phước.
Mô hình được thực hiện dựa trên kết quả của đề tài “Nuôi cấy mô cây chuối già Nam Mỹ” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bến Tre thực hiện. Trung tâm trực tiếp chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối già Nam Mỹ cấy mô cho hộ dân tham gia mô hình. Ngoài giống chuối già Nam Mỹ, trung tâm còn sản xuất giống chuối tiêu và một số loại hoa khác bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN của tỉnh đầu tư, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành chủ trì phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bến Tre thực hiện, triển khai mô hình vào tháng 11-2014. Mô hình có mật độ trồng 200 cây/1.000m2, tổng số cây giống là 1 ngàn cây. Kết quả sau khi đầu tư đã thu lãi khoảng 105 triệu đồng/ha.
Mô hình bước đầu đạt được mục tiêu chung, đó là góp phần nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của nông dân trong xã, phục vụ mục tiêu phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ban chủ nhiệm mô hình đã tổ chức 1 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật có trên 40 hộ dân trên địa bàn xã tham dự. Mô hình đã góp phần hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đa dạng hóa cây trồng tại địa phương.
Đây là mô hình mới, cây chuối là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc, có hiệu quả kinh tế ước tính khá cao; mô hình có tính khả thi, có khả năng nhân rộng ra các xã lân cận có cùng điều kiện. Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân của chính quyền địa phương bằng mô hình trồng chuối già Nam Mỹ nuôi cấy mô là có thể thực hiện được.
Related news
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có khoảng 50 hộ chăn nuôi heo áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái (còn gọi là công nghệ nuôi heo không phân), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL, song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Hiện nay có một số nhà máy phản ánh thiếu cá tra nguyên liệu chế biến và phải tạm ngưng sản xuất nhưng thực chất chỉ là thiếu cá đạt “size” (kích cỡ chế biến) như yêu cầu của khách hàng, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).