Làm Giàu Từ Trồng Cây Ăn Quả, Nuôi Ong Lấy Mật
Đến thăm mô hình trang trại trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật của hộ ông Hoàng Văn Tung, xóm Lý Nhân xã Bá Xuyên (T.X Sông Công - Thái Nguyên), chúng tôi cảm phục nghị lực và ý chí của người nông dân chăm chỉ này. Bằng sức lao động của chính mình, vợ chồng ông Tung đã xây dựng lên mô hình kinh tế hiệu quả cho doanh thu xấp xỉ 700 triệu đồng mỗi năm.
Vượt qua quãng đường dài chúng tôi đến thăm mô hình của gia đình ông Tung. Khi ấy ông đang ở ngoài vườn cây, xung quanh là bạt ngàn quất, bưởi chi chít quả xanh mỡ màng. Ông tâm sự: Quê tôi ở Hưng Yên, khi lấy vợ xong cuộc sống gia đình khó khăn trăm bề. Tuy có nghề trồng cây ăn quả, nhưng vì đất sản xuất ít, chỉ có 4 sào, nên đến mùa giáp hạt, nhiều khi 2 vợ chồng và 3 đứa con còn đói ăn. Ông hằng ước ao mình có đất rộng hơn để trồng trọt. Năm 2000, nhân có lần đi thăm bạn ở xã Bá Xuyên, tôi biết có người muốn bán 2 ha đất đồi với giá 20 triệu đồng. Dù mảnh đất này ở rất sâu, đường khó đi, nhưng lại rộng rãi, có thể thả sức trồng trọt. Trở về nhà, vợ chồng tôi bàn bạc, tính toán rồi quyết định bán đất và nhà ở Hưng Yên, lên xã Bá Xuyên mua 2ha đất đồi này để lập nghiệp.
2ha đất đồi này khô cằn, nhiều sỏi đá, chỉ toàn là cây guột mọc um tùm, vợ chồng ông không ngại khó, ngại khổ, đã đổ công, sức cuốc guột và bón phân cải tạo đất. Ròng rã suốt một năm trời, dần dần ông đã có thể trồng được 800 cây quất trên những diện tích đất đã được cải tạo. Ông chia sẻ: Sau khi mua đất xong, số vốn còn lại của vợ chồng tôi rất ít ỏi, lúc đó, vợ chồng tôi tranh thủ đi làm thuê để lấy tiền chi tiêu và cải tạo đất để trồng cây. Sau nhiều đắn đo, tôi quyết định chọn quất là cây trồng chủ yếu trong vườn của mình vì cây quất chỉ trồng 1 năm đã cho thu hoạch, chăm sóc cũng dễ và có quả bán quanh năm. Những suy tính và công sức của 2 vợ chồng ông Tung đã mang lại kết quả.
Đến năm 2002, vợ chồng ông đã có thu nhập từ 800 cây quất trồng ban đầu. Sau lứa quả này, vợ chồng ông đã có tiền thu được từ bán quả quất, không phải đi làm thuê nữa, mà đã có thể chăm chỉ sớm tối với vườn cây của mình. Dần dà, ông chiết thêm cây quất để trồng, mua thêm bưởi Diễn, nhãn lồng, trồng thêm cây dứa. Năm 2006, được tham gia lớp tập huấn nuôi ong lấy mật do xã tổ chức, ông Tung nhận thấy nuôi ong phù hợp với đặc điểm của gia đình mình do có vườn cây ăn quả. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên ông không dám đầu tư nhiều mà chỉ nuôi vài đàn, vừa nuôi vừa học hỏi để có kiến thức. Lúc đầu nuôi còn luống cuống nhiều khi còn bị ong đốt sưng tấy cả chân, tay.
Đến nay, sau hơn 7 năm vừa học hỏi vừa nuôi ông đã có 100 thùng ong và có thể gây cầu ong để bán cho người dân xung quanh. Ông cho biết: Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và dày công chăm sóc. Hơn nữa người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa con ong đi lấy mật là từ Tết Nguyên đán dến tháng 4 âm lịch, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Nếu có di chuyển thùng ong sang vườn khác chỉ được chuyển vào ban đêm khi đàn ong đang ngủ để tránh tình trạng phân tán đàn do bị thay đổi địa điểm nuôi đột ngột.
Có thể nói, với ý chí, nghị lực khát vọng làm giàu, vợ chồng ông Tung đã biến đất đồi khô cằn ban đầu thành một khu vườn cây xanh tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, mỗi năm vườn cây ăn quả kết hợp với nuôi ong, gia đình ông Tung xuất ra thị trường khoảng 3,6 tấn quả quất, giá bán trung bình 12 nghìn/kg, doanh thu từ quất là gần 450 triệu đồng; trên 1 nghìn lít mật ong, thu về 150 triệu đồng; 1.000 cây bưởi Diễn hiện đang có 300 cây cho thu hoạch với khoảng 4 nghìn quả/năm, doanh thu 60 triệu đồng; 1 vạn gốc dứa, thu 10 nghìn quả, doanh thu 50 triệu đồng; 200 buồng chuối, doanh thu 40 triệu đồng. Số tiền trên cộng với hàng chục triệu đồng từ bán cây bưởi giống, bán cầu ong giống, gia đình ông Tung có mức doanh thu khoảng 700 triệu đồng mỗi năm. Gia đình ông cũng là gia đình tiêu biểu của xã trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, cũng như đóng góp, tham gia vào các hoạt động tập thể như đóng góp làm đường xây dựng nông thôn mới...
Related news
Ở các làng nghề ven biển, nhiều bà con chuyển sang làm nghề khác do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là nghề chế biến cá khô. Riêng nghề làm cá khô khoai ở Cái Đôi Vàm 2 năm trở lại đây không còn nhộn nhịp như những năm trước.
Trong quá trình chăn nuôi gia cầm, việc lựa chọn thức ăn phù hợp, phương thức cho vật nuôi ăn, cách nhận biết và phòng bệnh để đạt được hiệu quả kinh tế cao luôn là những vấn đề được người chăn nuôi quan tâm.
Sau nhiều tháng điều tra, nhóm nghiên cứu do Donald Lightner tại Đại học Arizona đã xác định nguyên nhân gây hội chứng chết sớm ở tôm (EMS), hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp (AHPNS).