Mô Hình Công Thức Phân Bón Cho Cây Lúa Hiệu Quả Ở Cà Mau
Nhiều năm qua, nông dân trồng lúa ở Cà Mau sử dụng phân bón không theo một công thức nào mà chỉ bón theo cảm tính nên chi phí dành cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khá lớn. Việc áp dụng công thức phân bón cho cây lúa tại ấp 6, xã Khánh Hòa đã mang lại triển vọng giảm chi phí sản xuất của một vụ lúa…
Tuy không đưa ra một công thức chung cho toàn tỉnh nhưng vụ Hè Thu 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) Cà Mau kết hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện U Minh thí điểm mô hình sử dụng công thức bón phân cho cây lúa tại hộ ông Lâm Thành Nhơn, ấp 6, xã Khánh Hòa mang lại hiệu quả cao.
Trung tâm KN-KN tỉnh đưa ra công thức phân để áp dụng trình diễn tại hộ ông Nhơn là: 100kg N + 70 kg P2O5 + 40 kg K2O/ha. Trung tâm KN-KN hỗ trợ 60 kg lúa giống OM 6976, cấp xác nhận; 65 kg phân supper lân, 33kg Urê, 20 kg Kali và các loại thuốc phòng trừ sâu hại khác được thực hiện trên 0,5 ha.
Cách bón được thực hiện theo quy trình như: bón lần 1: lúa đạt 10 ngày, lần 2: lúa đạt 20 ngày sau khi sạ, lần 3: 40 ngày sau khi sạ với liều lượng được tuân thủ theo quy trình của cán bộ kỹ thuật. Theo ông Nhơn, bón phân cho cây lúa theo công thức này không khó thực hiện, cây lúa phát triển tốt, không bị bệnh và đến giai đoạn lúa trổ chính lá lúa vẫn còn xanh tốt nên giúp cho cây lúa đủ dinh dưỡng để phát triển hạt chắc hơn.
Ông Đỗ Thanh Dân, Phó phòng Nông nghiệp huyện U Minh cho biết: “Mô hình và cách làm này hoàn toàn mới đối với người dân trong huyện. Tuy việc tính toán công thức phân bón cũng như đưa ra công thức chung cho toàn huyện chưa thể khẳng định được nhưng mô hình trình diễn mang ý nghĩa lớn. Đặc biệt, mô hình đã xác định được lượng phân bón của từng loại cho từng giai đoạn phát triển của cây lúa nên chắc chắn giảm được chi phí trong vụ sản xuất”.
Ông Lê Minh Trí, hộ sản xuất lúa liền kề cho biết, ở vụ lúa Hè Thu này, ông bón phân cho 7 công tầm lớn: 3 bao Ure, 2 bao DAP, 2 bao NPK 20-20-15. Nhưng xét thấy lúa vẫn không phát triển tốt nên tiếp tục bón thêm để cải thiện về năng suất. Đến giai đoạn lúa trổ chính lá lúa bị cháy và năng suất chỉ đạt từ 25 – 27 giạ/công và chi phí phân bón và thuốc trên 5 triệu đồng/công.
So sánh với liều lượng phân bón sử dụng trong mô hình, và quá trình phát triển của lúa, các ngành chức năng và nông dân đều khẳng định hiệu quả của công thức bón phân cho cây lúa được trình diễn tại hộ ông Nhơn.
Ông Lý Minh Chiến, nông dân ấp 6, xã Khánh Hòa nhận xét, mặc dù đầu vụ bị ảnh hưởng của nắng hạn và mưa cục bộ, lúa bị sâu cuốn lá gây hại nhiều nhưng đến giai đoạn lúa trổ chin, ông thấy lúa vẫn phát triển tốt, đặc biệt là lá lúa vẫn còn xanh. Năng suất thu hoạch của mô hình này là không dưới 30 giạ/công. Ông thấy hiệu quả của việc áp dụng công thức phân bón này khá rõ, nông dân trong ấp sẽ áp dụng công thức này vào vụ 2 tới.
Trong quá trình thực hiện mô hình nông dân được tập huấn kỹ thuật chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới, có sự tính toán từ công thức phân nguyên chất để xác định được số lượng phân thương phẩm cần bón cho lúa tương đối, hiệu quả và tiết kiệm. Đây là điểm mới mẻ so với trước đây bà con chỉ bón theo ý muốn. Vì vậy, không hoạch toán được chi phí sản xuất, không biết được phân bón nào cần thiết để cho cây lúa cần hấp thu sinh trưởng phát triển theo từng giai đoạn. Đồng thời tránh tình trạng bón thiếu chất này thừa chất kia không cân đối, gây sâu bệnh tốn nhiều chi phí. Có thể nói đây là một cách xác định công thức phân cho từng vùng tương đối để khuyến cáo cho nông dân tiến tới áp dụng sản xuất và nhân rộng trong những năm tiếp theo đạt hiệu quả hơn.
Related news
Hơn 400ha chuyên trồng giống lúa đặc sản Nàng Thơm Chợ Đào (NTCĐ) ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An đã tụt giảm còn 100ha. Nông dân vùng này bỏ NTCĐ bởi không cạnh tranh được với gạo giả, gạo nhái đang tràn lan khắp nơi...
Hiện nay, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt hơn 43.000 ha, mỗi năm cần khoảng 5 tỷ con tôm giống chứng tỏ Bến Tre là thị trường khá rộng cho nghề sản xuất tôm giống phát triển. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh hiện chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu.
Chỉ với 50 gốc sầu riêng D6 cho trái nghịch vụ, anh Bùi Văn Trại ở ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm