Prices / Tin nông nghiệp

Làm giàu từ kinh tế tổng hợp

Làm giàu từ kinh tế tổng hợp
Author: Thùy Hương
Publish date: Saturday. November 18th, 2017

Với 3 ha đất sản xuất, gia đình anh Lê Văn Cao ở thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng thu lời hơn 500 triệu đồng mỗi năm từ cách làm kinh tế vườn - ao - chuồng khép kín.

GẮN BÓ VỚI CÂY CAO SU

Anh Lê Văn Cao theo gia đình vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1996. Ngày đó, để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học, cha mẹ anh đã mua 2 ha đất trồng điều tại xã Tân Hưng (Đồng Phú). Hằng ngày, anh Cao cùng các anh chị em đi làm thêm để có tiền phụ giúp gia đình. Sau đó các anh chị em lập gia đình và ra ở riêng chỉ còn vợ chồng anh Cao sống chung với cha mẹ. Năm 2007, anh Cao đưa cha mẹ và gia đình lên Phú Riềng sinh sống đến nay. Tại đây, anh mua 3 ha đất, trong đó có 2,4 ha cà phê. Anh Cao cho biết: “Ngày đó cà phê rớt giá nên tôi chuyển sang trồng cao su”.

Đàn vịt của gia đình anh Cao cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm

Năm 2011, vườn cao su của gia đình anh bắt đầu cho mủ. Trung bình 1 ngày anh thu khoảng 1 triệu đồng/2,4 ha cao su. Đến năm 2015, giá mủ cao su giảm mạnh, nhiều hộ trong vùng chuyển đổi trồng điều hay cây ăn trái, riêng anh vẫn gắn bó với loại cây này. “Cây trồng nào cũng có thời kỳ hoàng kim, khi cung vượt cầu thì đương nhiên giá “rớt” và ngược lại. Nếu chạy theo thị trường sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt - trồng nguy cơ mất nguồn thu, ảnh hưởng nặng đến kinh tế gia đình. Vì vậy, dù giá mủ có thấp gia đình tôi cũng cố gắng bám trụ và chăm sóc vườn cây để tăng năng suất. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu khoảng 180 triệu đồng từ 2,4 ha cao su” - anh Cao chia sẻ.

MỞ RỘNG CHĂN NUÔI

Ngoài trồng cao su, anh Cao còn dành 0,3 ha đất đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, vịt xiêm (ngan). Ban đầu, anh chỉ nuôi để phục vụ nhu cầu gia đình. Sau nhiều lần nhận công trình xây dựng cho các chủ hộ có trang trại chăn nuôi, anh nhận thấy mình cũng có thể làm giàu theo cách này nên bắt đầu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trên internet và từ các mô hình chăn nuôi trong tỉnh.

Anh Cao còn nuôi các loại cá như mè, trắm, trôi, điêu hồng, thát lát... thu về hơn 10 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Từ mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng cho gia đình anh thu lời trên 500 triệu đồng/năm. Kinh tế ổn định, gia đình anh Cao có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi tại địa bàn và sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho người có nhu cầu học hỏi.

Năm 2012, anh Cao đến gia đình ông Trần Thanh Vân (Lộc Ninh) học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Thấy anh ham học hỏi, ông Vân đã hướng dẫn tận tình kỹ thuật xây lò ấp trứng gà, vịt xiêm. Sau đó, anh thử nghiệm 1 lò ấp trứng thủ công với 500 trứng gà/mẻ. “Mới đầu lượng trứng nở chỉ khoảng 65%. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh nhiệt độ, thường xuyên đảo trứng, làm mát trứng theo đúng kỹ thuật nên tỷ lệ nở đạt đến 90%” - anh Cao cho biết. Lứa gà đầu tiên anh giữ lại 300 con nuôi thả vườn để bán thịt. Sau 5 tháng, lứa gà xuất bán. Thịt gà thơm, dai, ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Từ đó, giống gà thả vườn của gia đình anh được thương lái các tỉnh đến đặt mua con giống, gà thịt với số lượng lớn. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, năm 2013 anh xây thêm 1 lò ấp trứng gà (700 trứng/mẻ). Năm 2015, anh lắp thêm 1 lò ấp trứng vịt xiêm để bán con giống. Hiện gia đình anh nhận 4 đơn đặt hàng từ các tỉnh, thành lân cận với số lượng khoảng 1.200 con gà.

 “Muốn trứng nở đạt tỷ lệ cao phải chọn những quả to, tròn. Trước khi ấp, trứng phải được vệ sinh sạch sẽ bằng cách rửa trứng trong dung dịch (nước + thuốc tiêu độc khử trùng) pha sẵn với tỷ lệ phù hợp. Trong thời gian ấp phải thường xuyên đảo trứng (đảo bằng tay 3 lần/ngày). Từ ngày thứ 16 đến ngày 19 của chu kỳ thì làm mát cho trứng bằng cách đem phơi. Một chu kỳ ấp trứng kéo dài khoảng 20 ngày đối với trứng gà và 32 ngày với trứng vịt xiêm. Sau khi gà, vịt nở đưa ra sàn nuôi với nhiệt độ khoảng 34oC. Nếu để nhiệt độ quá cao gà, vịt dễ mắc bệnh khô chân; nhiệt độ quá thấp lại gây bệnh cảm lạnh, thương hàn...” - anh Cao nói. Từ các lò ấp trứng, mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường khoảng 12 ngàn con gà giống (giá từ 15-40 ngàn đồng/con) và khoảng 5.000 con vịt xiêm giống (18-20 ngàn đồng/con, tùy ngày tuổi). Trừ chi phí sản xuất, gia đình anh thu gần 200 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, gia đình anh Cao còn nuôi thêm gà đẻ, gà, vịt xiêm bán thịt. Mỗi năm anh nuôi 2 lứa gà (từ 400-600 con/lứa), 4 lứa vịt (khoảng 250 con/lứa) bán ra thị trường, với giá bán như hiện nay, bình quân mỗi năm hộ anh thu hơn 200 triệu đồng. 


Related news

Mãng cầu xiêm trồng quả sai trĩu trịt kiếm vài trăm triệu mỗi năm cần quy trình đặc biệt Mãng cầu xiêm trồng quả sai trĩu trịt kiếm vài trăm triệu mỗi năm cần quy trình đặc biệt

Kỹ thuật trồng mãng cầu xiêm làm sao cho năng suất cao không phải đơn giản đòi hỏi phải có quy trình chăm sóc đặc biệt.

Saturday. November 18th, 2017
Trung Quốc - Thị trường khổng lồ của nông sản Việt Trung Quốc - Thị trường khổng lồ của nông sản Việt

10 tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 7,3 tỉ USD (so với 6,8 tỉ USD của cả năm 2016).

Saturday. November 18th, 2017
Hồi sinh 'vùng đất chết': Thành hay bại ở chỗ có dám thay đổi tư duy Hồi sinh 'vùng đất chết': Thành hay bại ở chỗ có dám thay đổi tư duy

Trồng cây trên giá thể hữu cơ, canh tác trong nhà màng. Tất cả các nguyên vật liệu được tận dụng triệt với chi phí thấp để có thể dễ dàng chuyển giao

Saturday. November 18th, 2017