Prices / Tin nông nghiệp

Trung Quốc - Thị trường khổng lồ của nông sản Việt

Trung Quốc - Thị trường khổng lồ của nông sản Việt
Author: Lê Bền
Publish date: Friday. November 17th, 2017

10 tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 7,3 tỉ USD (so với 6,8 tỉ USD của cả năm 2016).

Hạ tầng cửa khẩu là hạn chế khiến XK nông sản sang Trung Quốc còn nhiều khó khăn

Cùng với rau quả, cao su, gạo, thủy sản, đồ gỗ, nhiều mặt hàng nông sản mới của Việt Nam như sữa, thịt, cà phê, hạt khô... cũng đang có nhiều cơ hội tại thị trường trên 1,3 tỉ dân.

Trung Quốc đã và sẽ là đối tác thương mại hàng nông sản hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới.  

Bạn hàng khổng lồ

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), đến hết tháng 10/2017, rau quả là mặt hàng đã vươn lên dẫn đầu về kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc với gần 2,17 tỉ USD, tiếp theo là cao su với trên 1,13 tỉ USD, thủy sản (908 triệu USD) và gạo (909 triệu USD)...

Theo ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc: Tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây tăng rất nhanh, đặc biệt là mặt hàng nông sản. Việt Nam hiện đã vượt qua Malaysia để trở thành đối tác thương mại lớn nhất Đông Nam Á với Trung Quốc, và là đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này. Cùng với gạo, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam hiện chiếm tỉ trọng đặc biệt lớn tại thị trường Trung Quốc, như thanh long, dưa hấu, vải. Thủy sản cũng là mặt hàng đã và đang khẳng định thị phần rất quan trọng tại thị trường Trung Quốc.

“Hiện nay, sữa Việt Nam là mặt hàng rất có triển vọng tại thị trường Trung Quốc bởi chất lượng tốt, người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá rất cao. Sữa chua là sản phẩm mà khách du lịch nào sang Việt Nam cũng mua về dùng” – ông Khôi cho biết.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Hiện tại, đã có 2 “ông lớn” trong ngành sữa của Việt Nam là TH True milk và Vinamilk xúc tiến việc XK sữa sang thị trường Trung Quốc. Công tác xúc tiến XK đã cơ bản giai đoạn sắp hoàn tất và sẽ sớm XK sữa sang thị trường này trong thời gian tới.

Với mặt hàng thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cho biết: Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác, công nhận lẫn nhau về kiểm soát ATTP đối với sản phẩm thủy sản XK với Trung Quốc nên việc XK đang diễn ra hết sức thuận lợi. Cụ thể đến nay, phía Trung Quốc đã công nhận đủ điều kiện XK thủy sản cho 646 cơ sở SX và DN của Việt Nam, trong đó số DN đang thường xuyên duy trì XK khoảng 100 DN... Trong đó, có 5 cơ sở đã được Trung Quốc công nhận cho phép XK sản phẩm tôm sú sống.

Theo ông Tiệp, chỉ còn nghêu và cá rô phi là hai đối tượng chưa được phía Trung Quốc đưa vào danh mục cho phép NK từ Việt Nam. Hiện Nafiqad đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để sớm đưa hai sản phẩm này vào danh mục.

“Đối với tôm sú sống, đây là sản phẩm rất có triển vọng và XK tăng rất nhanh thời gian qua. Vì vậy thời gian tới, Nafiqad sẽ làm việc với Trung Quốc để công nhận thêm cho nhiều cơ sở XK, bởi hiện mới chỉ có 5 cơ sở được XK và phải được phía bạn cấp hạn ngạch hàng năm nên dư địa còn rất lớn” – ông Tiệp cho biết thêm.

Rau quả là mặt hàng đang có bước bứt phá cực mạnh tại thị trường Trung Quốc trong thời gian qua, và theo đánh giá, đây sẽ là mặt hàng tiếp tục nhảy vọt về kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Việt Nam đã có 8 loại trái cây được XK chính ngạch sang Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối và mít. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, Cục BVTV cũng đã làm việc với phía Trung Quốc để sớm cho phép XK thêm bưởi sang nước này.

“Đối với gạo, ngoài 23 DN đã được phía Trung Quốc kiểm tra và cho phép XK, Cục BVTV cũng đã mời cơ quan thẩm quyền Trung Quốc sang kiểm tra đánh giá để cấp phép thêm cho 9 doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu” – ông Dương cho biết.  

Nỗi lo thương hiệu

Đánh giá tiềm năng về thương mại nông sản sang thị trường Trung Quốc còn vô cùng lớn, tuy nhiên ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc cũng bày tỏ nhiều bất cập và lo ngại cho các mặt hàng XK của Việt Nam sang thị trường này.

Thủ tục thông quan, nhất là thủ tục kiểm dịch phía Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế

Về thủ tục cửa khẩu. Hiện nay, nhiều cửa khẩu của Trung Quốc đã áp dụng mô hình kiểm tra thông quan “3 trong 1” gồm hải quan, kiểm dịch và biên phòng. Do đó thời gian thông quan rất nhanh, chỉ mấy phút một chuyến xe. Cùng với hệ thống kho ngoại quan, mùa cao điểm về XK nông sản, phía Trung Quốc cũng đã tạo điều kiện tăng thời gian mở cửa khẩu. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất vẫn là phía Việt Nam làm thế nào để tổ chức XK được thông thoáng và thủ tục nhanh gọn, tránh ùn tắc cửa khẩu. Bởi vào mùa cao điểm XK nông sản, nhiều thời điểm ách tắc hàng nghìn xe ở phía Việt Nam.

“Việc tổ chức SX làm sao để chất lượng sản phẩm phải đảm bảo tốt cũng rất quan trọng. Nhiều lô hàng dưa hấu bổ ra ruột trắng toát thì không thể nào XK được. Đến dưa hấu là trồng dễ nhất mà cũng không đảm bảo chất lượng thì rất gay” – ông Khôi phản ánh.

Cũng theo ông Khôi, hiện các mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa XK được sang thị trường Trung Quốc về cơ bản là do chưa hoàn thiện và đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục pháp lý kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, trong đó đặc biệt là các vướng mắc về kiểm dịch, kể cả kiểm dịch động và thực vật. Việc chúng ta chưa XK được thịt lợn chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là một ví dụ.

Ông Phạm Thanh Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) thì lo ngại nhất về vấn đề thương hiệu. Theo ông Bình, mặc dù rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có thị phần rất lớn tại Trung Quốc, tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu lại rất kém, trong đó kể cả những mặt hàng có tên tuổi của Việt Nam như cà phê.

“Người Trung Quốc rất ưa chuộng thương hiệu. Nhưng nhiều mặt hàng nông sản chúng ta không có thương hiệu ở Trung Quốc. Ví dụ hàng hoa quả của Việt Nam bán rất nhiều ở Quảng Tây, nhưng nhà phân phối lại lấy thương hiệu khác như là của Thái Lan, hoặc thậm chí không có thương hiệu gì. Nhiều mặt hàng chúng ta XK rất lớn sang Trung Quốc, nhưng đem lên cửa khẩu là xong. Có khi doanh nghiệp Trung Quốc đưa hàng về, đóng gói lại bằng bao bì và lấy nhãn hiệu khác. Đây là điều hết sức đáng tiếc” – ông Bình ái ngại.

Việc đưa sản phẩm nông sản Việt Nam để tạo chỗ đứng trong hệ thống các siêu thị tại Trung Quốc cũng là việc chúng ta rất yếu. Mặc dù để đưa được vào siêu thị là điều khá khó khăn, nhưng về lâu dài thì là điều rất cần thiết, nhất là để xây dựng thương hiệu.

Hiện nay, hàng năm chúng ta vẫn tham gia một số hội chợ về nông sản tại Trung Quốc như Nam Ninh, Vân Nam... do Bộ Công thương chủ trì, nhưng nhìn chung còn nhỏ lẻ, chưa quy củ. Nên chăng, cái này cần giao cho Bộ NN-PTNT chủ trì để bài bản hơn. Trước mắt năm 2018, Trung Quốc sẽ tổ chức một hội chợ rất lớn chuyên về các mặt hàng NK vào nước này tại Thượng Hải. Đây là cơ hội để chúng ta tổ chức sự kiện quảng bá cho nông sản nếu được đầu tư làm chu đáo...

(Ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc)


Related news

Trồng cây Đinh lăng trong chậu vừa làm cảnh vừa là dược liệu quý để chữa bệnh Trồng cây Đinh lăng trong chậu vừa làm cảnh vừa là dược liệu quý để chữa bệnh

Với hàng loạt công dụng cực tốt cho sức khỏe nên hiện rất nhiều gia đình áp dụng kỹ thuật trồng cây đinh lăng trong chậu tại nhà.

Friday. November 17th, 2017
Kỹ thuật trồng cây tầm bóp ngon - đẹp - lạ và chữa bệnh cực hiệu quả Kỹ thuật trồng cây tầm bóp ngon - đẹp - lạ và chữa bệnh cực hiệu quả

Kỹ thuật trồng cây tầm bóp chắc chắn cực kỳ đơn giản bởi nó có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau mà không cần chăm sóc.

Friday. November 17th, 2017
Mãng cầu xiêm trồng quả sai trĩu trịt kiếm vài trăm triệu mỗi năm cần quy trình đặc biệt Mãng cầu xiêm trồng quả sai trĩu trịt kiếm vài trăm triệu mỗi năm cần quy trình đặc biệt

Kỹ thuật trồng mãng cầu xiêm làm sao cho năng suất cao không phải đơn giản đòi hỏi phải có quy trình chăm sóc đặc biệt.

Friday. November 17th, 2017