Làm Giàu Từ Cây Bưởi Da Xanh
Nhắc đến bưởi da xanh, nhiều người chỉ nghĩ đến các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có những miệt vườn với nhiều loại trái cây nổi tiếng. Tuy nhiên, trong vòng 7, 8 năm trở lại đây, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, cây bưởi da xanh đã bén rễ tại vùng đất Phước Bình, xã Sông Xoài.
Mỗi năm, đã có hàng trăm tấn bưởi da xanh được bán ra thị trường, chất lượng ngon ngọt không thua kém bưởi da xanh của Bến Tre hay Vĩnh Long. Một trong những nông dân đưa cây bưởi da xanh về trồng tại vùng đất này là ông Phạm Văn Ta, Chủ nhiệm HTX bưởi da xanh Sông Xoài.
Đến thăm vườn bưởi có diện tích hơn 1,5 ha của ông Phạm Văn Ta, đập vào mắt của mọi người là những cây bưởi lúc lỉu quả, thương lái tấp nập mua bán. Do biết cách xử lý ra hoa trái vụ nên vườn bưởi của ông gần như cho thu hoạch quanh năm.
Kể cả trong thời điểm này, khi các loại trái cây khác rơi vào tình trạng “dội chợ” vì rộ mùa, mất giá thì bưởi da xanh vẫn hút khách mua, giá bán cao, với 45 ngàn/kg. Còn vào dịp tết, giá bưởi da xanh có thể lên tới 50-55 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi ha bưởi cho gia đình ông thu lãi từ 400-500 triệu đồng. Ông Phạm Văn Ta cho biết, cách đây hơn chục năm, tại vùng đất ấp Phước Bình các nông dân chỉ biết trồng điều, cà phê, lúa…
Làm vất vả quanh năm nhưng năng suất, thu nhập rất thấp do vườn cây bị già cỗi, giá cả các mặt hàng không ổn định. Chính vì vậy, qua việc đọc báo, xem tivi, nghe đài, thấy mô hình trồng bưởi da xanh tại miền Tây cho hiệu quả kinh tế cao, ông đã cùng một số nông dân đi tìm hiểu, mang giống cây này về trồng thử nghiệm.
Không ngờ, cây bưởi da xanh lại rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. “Chỉ sau 2,3 năm, bưởi đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 1 tạ/cây, giá bán ổn định, tôi có thể thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/ha. So với trồng cà phê thì trồng bưởi có hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần”, ông Phạm Văn Ta cho biết thêm.
Mặc dù thời gian vừa qua, nhiều nông dân trồng bưởi da xanh tại ấp Phước Bình đang lo lắng vì mất mùa bưởi tết do trái non bị rụng, hoa không đậu quả, thì tại vườn bưởi của ông Phạm Văn Ta, tình trạng này đã không xảy ra.
Nguyên nhân là do có kinh nghiệm lại nắm chắc quy trình kỹ thuật nên ông đã kịp thời xử lý, kích thích cho cây bưởi tiếp tục ra hoa, kịp thời cho vụ thu hoạch phục vụ thị trường tết nguyên đán năm 2014. Không chỉ vậy, hiện ông còn nắm chắc kỹ thuật chiết cành để trồng thay thế và phục vụ cây giống cho bà con trong vùng.
Ông Phạm Văn Ta cho biết, mặc dù bưởi da xanh đang chiếm ưu thế trên thị trường nhưng do chưa có thương hiệu nên nông dân vẫn phải bán cho thương lái với giá trôi nổi. Chính vì vậy, nhằm tạo thương hiệu và đầu ra cho bưởi da xanh của địa phương, tháng 3-2013, UBND xã Sông Xoài đã thành lập HTX bưởi da xanh và ông được bầu làm chủ nhiệm HTX.
Đây cũng là đầu mối liên kết giữa nhà vườn với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, góp phần bình ổn giá, bảo vệ quyền lợi cho nhà vườn. Tham gia HTX, các xã viên còn được hỗ trợ vốn sản xuất, phân bón và kỹ thuật trồng bưởi đạt năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, ông Phạm Văn Ta cùng với một số nông dân khác đã bắt đầu thử nghiệm trồng bưởi da xanh theo hướng VietGap. Hiện đã có 9 ha/60 hộ tham gia.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 16/9, Trung tâm khuyến nông đã phối hợp với UBND xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện mô hình cải tạo đàn trâu tại địa phương.
Nghề trồng táo ở tỉnh ta tồn tại hơn 20 năm qua, nhưng chưa có điều kiện phát triển. Tuy nhiên vài năm gần đây thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá cả ổn định nên nhiều hộ nông dân tập trung đầu tư thâm canh mở rộng diện tích.
Chúng tôi có dịp trở lại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh một trong những vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa. Vài tháng trước, người nuôi đã xuất bán lứa tôm thịt thả nuôi từ tháng Giêng năm ngoái với giá chỉ 1,1 - 1,3 triệu đ/kg, trong khi chi phí đầu tư, tỷ lệ hao hụt cao nên đều thua lỗ.