Khởi Sắc Nhờ Vốn Vay
“Không có vốn, nông dân nỗ lực đến mấy cũng đành bó tay. Vùng tôm này ra đời đã hàng chục năm, song mới thực sự khởi sắc dăm ba năm trở lại đây, khi Phòng Giao dịch Hòa Sơn thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang (Đà Nẵng) giải ngân cho vay số tiền lớn”, ông Mai Phước Binh, Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp nuôi tôm nước lợ thôn Trường Định, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), tổ trưởng tổ vay vốn cho biết.
Theo ông Binh, đến nay hơn 30 hộ tại vùng tôm Trường Định, hộ nào cũng được Phòng Giao dịch Hòa Sơn giải ngân cho vay với hộ ít thì 30 - 40 triệu đồng, hộ nhiều 500 triệu đồng. Tổng dư nợ đến thời điểm này của cả vùng tôm hơn 1,7 tỷ đồng. Có vốn, các hộ đều đầu tư nuôi quy mô thâm canh, nhờ vậy năng suất rất cao, từ 4,7 đến hơn 5 tấn/ha/vụ.
Hộ thu tiền tỷ từ nuôi tôm đã khá phổ biến. Liên hệ đến gia đình, lão nông này cho biết: Gia đình tôi chỉ có 3.000m2 ao hồ. Trước đây, nuôi quảng canh cải tiến, năng suất vụ cao nhất chỉ 2 tấn/ha.
Từ ngày được ngân hàng cho vay 80 triệu đồng, không chỉ ao hồ được xử lý chu đáo, tôi còn mua sắm thêm máy sục khí, đưa con giống bảo đảm chất lượng vào nuôi, nhờ vậy năng suất vụ nào cũng đạt trên dưới 5 tấn/ha. Vụ vừa qua, trừ hết chi phí, lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Hiện thả nuôi vụ 2, tín hiệu rất lạc quan.
Theo bà con nuôi tôm ở Trường Định, có nhiều yếu tố tác động nhưng kỹ thuật và vốn là những khâu có ý nghĩa quyết định. Có vốn mới mạnh dạn đầu tư, mới dám chọn mua con giống tốt, thức ăn bảo đảm chất lượng, mua sắm đủ thứ máy móc, thiết bị phục vụ cho quá trình nuôi.
Ông Hồ Văn Hai, hộ có 1,7ha ao tôm và đang dư nợ tại ngân hàng 200 triệu đồng, tâm sự: Trước đây, ai cũng biết cần phải làm gì để năng suất cao, song không có vốn đành chịu. Mấy năm gần đây, vốn từ ngân hàng thông thoáng, lãi suất hấp dẫn, thủ tục nhanh gọn, hộ nào cũng vay.
Nhiều hộ đang mạnh dạn vay đầu tư lập thêm ao hồ. Với đà này, không dừng lại ở 18ha, vài ba năm nữa, vùng tôm này sẽ trên 20ha. Có điều, khâu cấp và thoát nước còn rất khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Phòng Giao dịch Hòa Sơn cho biết: Hiện nay có khoảng 1.000 hộ vay hơn 70 tỷ đồng. Qua theo dõi, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay hợp lý và có hiệu quả. Cũng từ nguồn vốn này, đời sống, thu nhập của rất nhiều hộ đổi thay nhanh chóng.
Phòng Giao dịch Hòa Sơn đang giải ngân theo Nghị định 41, hộ vay đến 50 triệu đồng, không phải thế chấp. Ngân hàng chỉ giữ sổ đỏ để làm tin mà không làm thủ tục công chứng thế chấp như trước. Lãi suất đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ trước đến nay: 8%/năm, đối với vay ngắn hạn.
Tương tự, hàng nghìn hộ tại 3 xã đồng bằng của huyện Hòa Vang sản xuất khởi sắc trông thấy khi tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng NN&PTNT. Nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu đã ra đời. Bà Ngô Thị Chúc, ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, chủ hộ nuôi heo quy mô 1.600 – 1.700 con/lứa cho biết: Không có vốn vay để mua thức ăn, không thể nuôi nhiều như vậy.
Mấy năm nay, Phòng Giao dịch Hòa Phước luôn sát cánh cùng các trang trại chăn nuôi ở đây. Nói đúng hơn, vốn vay từ Ngân hàng NN&PTNT đã tạo cơ hội cho nông dân mở ra nhiều hướng phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Lâm, ở thôn La Bông, vay 200 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp cho biết: Mùa vụ máy chỉ hoạt động độ nửa tháng là nghỉ. Tuy vậy, thu nhập gấp hàng chục lần so hồi dùng máy nhỏ. Còn nhớ, trước đây, mấy máy này chưa đưa về, vụ nào thu hoạch cũng dây dưa kéo dài, lúa hè thu đều gieo sạ trễ thời vụ.
Ông Đoàn Văn Thẩm, Giám đốc Phòng Giao dịch Hòa Phước cho biết: Vốn vay đang là đòn bẩy cho nông dân trong phát triển sản xuất. Đến nay, Phòng Giao dịch Hòa Phước giải ngân cho 765 hộ vay 71 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ nguồn vốn này, không ít hộ đã ăn nên làm ra, đời sống khu vực nông thôn đổi thay nhanh chóng.
Related news
Theo kế hoạch, năm 2012, Hiệp hội càphê ca cao Việt Nam (Vicofa) sẽ hỗ trợ năm tỉnh Tây Nguyên và một số doanh nghiệp càphê trên địa bàn tổng cộng 296.000 cây giống càphê.
Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa nước nổi thay cho vụ lúa Thu đông kém hiệu quả ngày càng được nhiều nông dân áp dụng ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Mô hình này góp phần thay đổi tập quán từ sản xuất độc canh 3 vụ lúa/năm, chuyển sang hình thức luân canh lúa - cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng phần đất trống giữa các hàng dừa và mặt nước sẵn có trong vườn, chàng trai 31 tuổi Lê Chí Dũng ở ấp Tiên Đông - xã Tiên Long (Châu Thành, Bến Tre) đã thành công với mô hình nuôi ếch. Hiện cây dừa đang ở giai đoạn đâm “lưỡi mèo” nhưng vẫn có nguồn thu nhập đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình…