Khẳng Định Thương Hiệu Rau An Toàn
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng gần 100 hộ dân tham gia HTX Sản xuất và kinh doanh rau an toàn ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) vẫn kiên trì theo đuổi và từng bước khẳng định được thương hiệu rau an toàn của địa phương mình.
Từ lúc tham gia vào vùng chuyên canh rau an toàn, bà con nông dân xã Nghĩa Dũng bắt đầu làm quen với quy trình trồng rau kiểu mới - nghiêm ngặt và tốn công hơn, thời gian thu hoạch chậm hơn cách trồng thông thường. Người trồng rau phải sử dụng nguồn nước sạch để tưới, không bón phân quá nhiều, chỉ được dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phải đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc trừ sâu…
Hiện tại giá bán rau an toàn bị tiểu thương “ép” giá ngang bằng với rau thông thường, nhưng gần 100 hộ dân ở vùng chuyên canh rau này vẫn giữ vững lập trường và tiếp tục sản xuất rau an toàn. Nhiều thời điểm vào vụ, cánh đồng rau hơn 10 ha này giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
“Trồng rau an toàn không chỉ có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng mà việc sử dụng ít phân bón, không dùng thuốc BVTV liều cao... cũng giúp người trồng rau chúng tôi giữ gìn được sức khỏe. Hơn nữa, rau an toàn không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rau có thể bảo quản được lâu hơn”, bà Nguyễn Thị Nữ - người đã có “thâm niên” trồng rau hơn 20 năm chia sẻ.
Không chạy theo lợi nhuận, nỗ lực tuân thủ quy trình sản xuất nên vừa qua, khi nghe thông tin HTX được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bà con nông dân ai nấy đều vui mừng. Vậy là sau nhiều năm cố gắng giữ vững cái tâm trong nghề, cuối cùng những bó rau mà người nông dân vùng chuyên canh rau sạch thôn 6 trồng nên đã có chứng nhận để chứng minh rau đạt chuẩn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà sơ chế rau sạch vừa được UBND xã Nghĩa Dũng đầu tư xây dựng ngay trong cánh đồng chuyên canh, hầu hết bà con nông dân đều hồ hởi: “Thời gian đến, rau sau khi thu hoạch xong sẽ được đưa vào đây để đóng gói, in nhãn mác rồi mới đem ra thị trường tiêu thụ. Vậy là rau sạch do chúng tôi trồng cuối cùng cũng có nhãn hiệu riêng để người tiêu dùng nhận biết và tin tưởng”.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh vừa cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau cho Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau an toàn xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi, với diện tích sản xuất 10,22 ha, công suất sơ, chế biến đạt 5 tấn/ngày.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện chuyển đổi giống cây trồng trên vùng đất sản xuất kém hiệu quả, đang được người dân các địa phương trong tỉnh quan tâm áp dụng. Mới đây người dân thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã thử nghiệm trồng giống táo dây xanh trên vùng đất khô hạn, bạc màu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ.
Cam Lộ (Quảng Trị) là một huyện trung du, có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thủy văn và các vùng sinh thái khác nhau thích ứng cho quá trình đa dạng hóa nông nghiệp, trong đó lợi thế nhất là đồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thực tế trong những năm qua, với sự tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh, nông dân trong huyện đã khai thác được thế mạnh về đất đai và lao động đưa lại hiệu quả khá cao trong sản xuất cây công nghiệp ngắn, dài ngày và chăn nuôi trâu bò đàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết thành phố vừa phê duyệt Dự án Trung tâm nghề cá ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD.