Hướng Mới Của Ngành Bò Sữa
Giúp nông dân nuôi bò sữa có nguồn thu nhập ổn định, người tiêu dùng có được sản phẩm chất lượng là mục tiêu của Công ty FrieslandCampina Việt Nam trong hơn 17 năm qua
Chương trình phát triển ngành sữa tại Việt Nam được triển khai gần 20 năm qua. Các chuyên gia của Công ty FrieslandCampina Việt Nam (FCV) chỉ ra hàng loạt bất lợi khi những người nuôi bò chỉ dừng lại ở mô hình hộ cá thể: Chăn nuôi trong điều kiện phụ thuộc nhiều mặt vào các đại lý cung cấp thức ăn, tự bỏ chi phí kiểm nghiệm thức ăn. Lợi nhuận từ nuôi bò bán sữa ngày càng giảm do mức tăng từ các chi phí đầu vào.
Hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi
Từ thực tế này, công ty đã hỗ trợ những hộ chăn nuôi bò sữa ở gần nhau lập thành nhóm và tổ hợp tác để tự quản về kiểm tra chất lượng sữa. Theo đó, những tổ, nhóm này sẽ bầu ra những nhóm trưởng, tổ trưởng có trách nhiệm ghi chép số lượng sữa của từng thành viên, lấy mẫu sữa, lưu giữ và phân tích khi cần thiết nhằm cải thiện chất lượng sữa của từng thành viên.
Với mô hình này, đến kỳ hạn thanh toán tiền sữa, nhóm trưởng và tổ trưởng chủ động nhận và chi trả tiền sữa cho các thành viên theo giá của công ty chi trả. Những nhóm lập ra sẽ được công ty hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống bồn lạnh tại chỗ giúp nâng cao chất lượng vi sinh của sữa, nhờ đó giá thu mua sữa sẽ cao. Người nuôi được mua thức ăn với giá giảm do FCV kết nối với công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi.
FCV còn hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi như chọn giống, gieo tinh nhân tạo, chăn nuôi đúng kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, sản lượng cao nhất. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ người nuôi vay vốn ưu đãi để phát triển đàn bò cũng như trang bị thiết bị.
Phát triển mô hình tổ, nhóm
Kết quả của mô hình này cho thấy từ tháng 10-2012 đến ngày 30-4-2013 có khoảng 60 hộ chăn nuôi bò sữa mua được 439 tấn thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ nhà máy sản xuất. Dự kiến đến cuối năm 2013 có 130 nông dân chăn nuôi bò sữa sẽ mua được thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ nhà máy sản xuất, số lượng thức ăn chăn nuôi nông dân mua được lên đến 1.000 tấn. Việc mua trực tiếp từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi bò sữa giúp nông dân tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.
Ông Lưu Văn Tân, Trưởng bộ phận phát triển ngành sữa của FCV, cho biết do giảm chi phí đầu vào cho nông dân, giá sữa tươi nguyên liệu bình quân nhóm, tổ hợp tác nhận được cao hơn so với nông dân cá thể từ 4% - 10%. Mặt khác, chất lượng vi sinh của sữa được nâng cao rõ rệt do được làm lạnh ngay tại trại. Nhờ vậy, FCV có được nguồn sữa nguyên liệu chất lượng cao cho các dòng sản phẩm dinh dưỡng của công ty bán ra thị trường.
Hiện số lượng nông dân chăn nuôi bò sữa tham gia chương trình ngày một nhiều dù mới triển khai. Từ chỗ gần như không có nền kinh tế nông nghiệp bò sữa, đến nay, Bình Dương và các vùng lận cận huyện Củ Chi (TP HCM), Long An, Tây Ninh đã có hơn 3.000 hộ nông dân nuôi bò tham gia chương trình phát triển ngành sữa của FCV. Ông Tân cho biết sẽ tiếp tục triển khai mô hình chăn nuôi tổ, nhóm ở tất cả vùng sữa nguyên liệu của FCV như Sóc Trăng, Long An, Củ Chi, Lâm Đồng, Hà Nam, Hưng Yên.
Related news
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh vừa triển khai xây dựng 3 mô hình hỗ trợ người nuôi heo thịt bằng phương pháp sử dụng đệm lót sinh học tại các xã Long Đức-thành phố Trà Vinh, xã Hưng Mỹ-huyện Châu Thành và Tập Ngãi - huyện Tiểu Cần.
Năm 2011, huyện Thông Nông triển khai thực hiện mô hình trồng giống lúa chất lượng cao ĐS1, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. ĐS1 là giống lúa thuần, phù hợp với cơ cấu lúa vụ xuân và vụ mùa, chất lượng gạo ngon, giá bán trên thị trường cao hơn so với các loại gạo giống lúa lai khác.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện các tỉnh phía Nam có nhiều diện tích cây ăn trái như dừa, bưởi… đang đối diện với dịch bệnh đục trái. Đây là loại dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam bị cấm xuất rau, trái sang một số thị trường trong một thời gian dài.