Hợp tác phát triển giống rau, hoa và khoai tây với Hà Lan
Sau chuyến thăm của Thứ trưởng Nông nghiệp Hà Lan tới Việt Nam, nhiều thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan tới nông nghiệp bền vững và an toàn thực phẩm, trong đó có việc ký kết hợp tác trong sản xuất giống rau, khoai tây và hoa.
Trong ảnh: Việt Nam muốn hợp tác trong sản xuất giống rau an toàn với Hà Lan - Ảnh minh họa: Thùy Dung
Tại buổi họp báo diễn ra chiều 23-3, bà Marjolijn Sonnema, Thứ trưởng Nông nghiệp Hà Lan, cho hay tới nay đã có nhiều thỏa thuận được ký kết giữa Hà Lan và Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp bền vững, an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đầu tư, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong nông nghiệp…. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hai nước cũng đã có quá trình tìm hiểu và đi đến ký kết những thỏa thuận hợp tác. Đây là thành quả của chuyến thăm của phái đoàn gồm 21 doanh nghiệp và các viện, trường học của Hà Lan tới Việt Nam trong những ngày qua nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.
Chiều 22-3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với bà Marjolijn Sonnema. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cường cho hay, Việt Nam xác định Hà Lan là đất nước có tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp rất lớn. Mặc dù diện tích chỉ có 4 triệu km2, bằng ĐBSCL với dân số 20 triệu người nhưng Hà Lan đã vượt lên bằng công nghệ, bằng quản trị, bằng đầu tư và hiện nay đã trở thành cường quốc số một thế giới về xuất khẩu nông sản. Đặc biệt những mặt hàng nông sản của Hà Lan rất nổi tiếng trên thế giới mà hầu hết người dân Việt Nam đều biết, ví dụ hoa tuylip, sản phẩm bò sữa, khoai tây Hà Lan và nhiều sản phẩm khác.
Hà Lan cũng hỗ trợ Việt Nam trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực rau, hoa quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giúp phát triển chuỗi ngành hàng rau quả, cà phê; chương trình đào tạo nhân lực cho ngành. Đặc biệt, Hà Lan đã giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng ĐBSCL.
Tại buổi làm việc, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm sữa TH (TH Milk), cho biết hiện tập đoàn đang đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Thái Bình với diện tích 3.000 héc ta. Do đó, bà mong muốn Hà Lan giới thiệu đối tác để hợp tác trong lĩnh vực sản xuất hạt giống rau và giống khoai tây để bán ở trong nước và xuất khẩu.
“Tập đoàn rất mong được hợp tác với Công ty Rijk Zwaan, công ty sản xuất giống rau quả hàng đầu thế giới của Hà Lan. Bên cạnh đó, hàng năm Việt Nam nhập khẩu nhiều giống khoai tây nên tập đoàn mong muốn có thể hợp tác sản xuất giống cũng như chế biến khoai tây, giảm nhập khẩu”, bà Hương nói.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND Thái Bình, cho hay Thái Bình đang xác định 5 điểm đột phá để phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Một là tập trung nhân rộng mô hình nông nghiệp giá trị cao ở các vùng sinh thái. Hai là hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ba là thu hút doanh nghiệp đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bốn là đào tạo nguồn nhân lực, làm việc trong mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Năm là khai thác khía cạnh du lịch ở các vùng nông thôn.
Với định hướng như vậy, ông Diên cam kết sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình. Vào ngày 8-4, tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp. Do vậy, ông Diên mong trong hội nghị này, những doanh nghiệp của Hà Lan và Việt Nam sẽ có những cam kết, hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Related news
Nhiều nông dân trong xã đã có thu nhập cao nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ để đưa ra thị trường nhiều chủng loại rau an toàn VietGAP.
Dù chỉ mới đầu vụ thu hoạch, thế nhưng 2 loại nông sản vốn mang lại nguồn lợi nhuận khá cho hàng chục ngàn hộ dân Quảng Ngãi là ớt và dưa hấu không chỉ giá thấp
Giá heo hơi trên thị trường đang ở mức 30.000 đồng/kg, vì thế, sau khi có thông tin Trung Quốc có lệnh cấm nhập khẩu thịt từ Brasil do liên quan đến thịt bẩn