Từ hộ nghèo vươn lên thành ông chủ vựa rau sạch
Xã Tân Hải, huyện Tân Thành là một trong những vùng trồng rau trọng điểm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhiều nông dân trong xã đã có thu nhập cao nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ để đưa ra thị trường nhiều chủng loại rau an toàn VietGAP.
Trong ảnh :Anh Đoàn Văn Vĩnh, thôn Láng Cát, xã Tân Hải có thu nhập cao từ mô hình trồng rau VietGAP. Ảnh: Đặng Hòa
Cần thêm công nghệ mới
“Nếu chỉ bằng sự cần cù, chăm chỉ thôi chưa đủ, phải mạnh dạn áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới để làm ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng thì người nông dân mới có thu nhập cao…” - đó là thổ lộ chân thật của anh Đoàn Văn Vĩnh, thôn Láng Cát, xã Tân Hải.
Vườn rau 2.000m2 được anh Vĩnh vây lưới bao quanh, trong đó có hơn 500m2 nhà lưới kiên cố. Anh Vĩnh cho biết, khi mới làm nghề trồng rau, anh thường xuyên sử dụng phân bón vô cơ. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, anh nhận thấy sâu trên rau kháng thuốc, không thể diệt hoàn toàn. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ có thể làm tổn hại lâu dài độ phì nhiêu của đất và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2015, anh chuyển sang trồng rau theo hướng hữu cơ.
Nước tưới rau được anh Vĩnh bổ sung một lượng vôi nhất định để cân bằng độ pH. Để cải tạo đất, anh Vĩnh dùng phân bò, phân gà ủ mục kết hợp luân canh các loại cây trồng. Thuốc diệt trừ sâu đều được làm từ thực vật. “Cá tạp và vỏ đậu phộng sau khi ủ khoảng 45 ngày sẽ tưới lên đất trước khi cấy cây giống hoặc gieo hạt giống, giúp tạo độ phì nhiêu cho đất…” - anh Vĩnh bật mí.
Hội ND xã sẽ tiếp tục nhân rộng tấm gương vượt khó, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống người dân…". Ông Đinh Cao Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND xã Tân Hải
Đến nay, gia đình anh Vĩnh đã sản xuất được 4 vụ rau theo phương pháp hữu cơ. Toàn bộ rau đến kỳ thu hoạch được Công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí Vũng Tàu thu mua. Trừ chi phí, mỗi vụ rau anh Vĩnh thu lãi gần 40 triệu đồng/2.000m2 (cao hơn trồng rau truyền thống 30-35%). Hiện gia đình anh Vĩnh đã mở rộng diện tích lên gần 4.000m2 rau VietGAP. Anh Vĩnh tâm sự: “Được sự quan tâm giúp đỡ, động viên của Hội ND, chính quyền địa phương và nỗ lực của gia đình mà tôi có được mô hình ngày hôm nay…”.
Nhìn vào thu nhập của anh Vĩnh, ít ai biết rằng, năm 2010 gia đình anh còn là hộ nghèo, được xét xây nhà “Đại đoàn kết”. Từ hộ nghèo anh Vĩnh vươn lên thành hộ sản xuất giỏi cấp xã, cấp huyện rồi cấp tỉnh và hiện đang phấn đấu đạt danh hiệu cấp T.Ư.
Hộ khá giúp hộ khó khăn
Từ mô hình trồng rau màu thực phẩm ở xã Tân Hải, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do Hội ND phát động đã được hưởng ứng nhiệt tình. Hội ND huyện Tân Thành, Hội ND xã Tân Hải tích cực tham gia hỗ trợ nông dân tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, trong đó có việc trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Nguyễn Văn Toản, thôn Láng Cát, xã Tân Hải cho hay: “Trước đây, hơn 3 sào rau của nhà tôi trồng theo phương pháp thủ công. Thị trường cần nhiều thì trồng nhiều, nông sản rớt giá thì trồng ít lại. Từ khi được Trạm Bảo vệ thực vật và Hội ND huyện Tân Thành phối hợp hướng dẫn quy trình sản xuất, sơ chế rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi đã xoay vòng đất, chú trọng chăm sóc rau đúng theo quy trình. Hiện gia đình tôi mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên 6 sào. Mỗi năm trồng 8 vụ, lợi nhuận thu được khoảng 20 triệu đồng/vụ”.
Các vườn, ruộng rau của gia đình anh Vĩnh, anh Toàn cũng là địa điểm tin cậy để hội viên, nông dân trong xã, ngoài huyện đến trao đổi, học tập. Bản thân những hộ vững kỹ thuật, kỹ năng sản xuất như anh Vĩnh, anh Toàn đều tích cực cùng với Hội ND xã giúp đỡ những hộ hội viên khó khăn, ít kinh nghiệm trong sản xuất để cùng vươn lên.
Related news
Bằng công nghệ chiết xuất dầu gấc tinh túy, hiện cây gấc được coi là cây “hái ra tiền” cho người nông dân.
Cây điều từ lâu được xem là cây xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Mô hình trồng mãng cầu trên đất nhiễm phèn của ông Phải đang mang lại thu nhập khá cao và được nông dân địa phương học hỏi, làm theo.