Giống Tôm Càng Xanh Chủ Yếu Nhập Khẩu Từ Trung Quốc
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị quản lý chất lượng tôm giống do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tổ chức tại Tp Bạc Liêu ngày 05/11 vừa qua.
Tổng cục Thủy sản cho biết, toàn vùng ĐBSCL có hơn 80 trại sản xuất giống tôm càng xanh đang hoạt động. Hàng năm, các cơ sở này sản xuất được trên 150 triệu tôm giống và chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu nuôi trong nước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sức sinh sản của tôm càng xanh thấp nên suất đầu tư cao. Đặc biệt việc ương ấp trứng đạt tỷ lệ thấp khoảng 30% và điều kiện ở Việt Nam không thuận lợi cho sản xuất nên kết quả rất bấp bênh. Mặt khác, việc sản xuất giống chỉ có 1 vụ, không thực hiện được liên tục trong năm nên càng làm cho lợi nhuận thấp, trong khi tôm nhập khẩu giá rẻ hơn nên nhiều trại đã ngừng hoạt động chuyển sang mua tôm ấu trùng về ương thành tôm giống.
Thời gian qua, nguồn tôm ấu trùng chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch sau đó đưa vào phía nam qua đường hàng không. Tôm càng xanh là đối tượng được khuyến khích nuôi nên giống được nhập khẩu thông thường không phải xin phép. Việc sử dụng tôm giống từ Trung Quốc theo người nuôi phản ánh chi phí giống thấp hơn tôm bản địa nhưng từ giai đoạn tháng thứ 4 trở đi tôm thường tăng trưởng chậm, cỡ thu hoạch nhỏ không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá bán thấp chỉ 50 - 60 ngàn đồng/kg, do vậy hiệu quả kinh tế thấp hơn.
Theo các nhà khoa học ngành thủy sản nhận định, tôm Trung Quốc nhập từ Thái Lan có cùng nguồn gốc với tôm ở ĐBSCL (Việt Nam) nhưng do nhập từ lâu, nuôi trong ao có điều kiện môi trường khác với điều kiện tự nhiên qua nhiều thế hệ nên giống đã bị thoái hóa, cỡ nhỏ, tiêu tốn nhiều thức ăn. Sau đó, tôm càng xanh được thuần hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Trung Quốc nên sản xuất giống thuận lợi hơn, dễ cho đẻ, ương giống đạt tỷ lệ cao.
Trước đây, nhiều chuyên gia Trung Quốc đã sang Việt Nam xây dựng trại giống tôm càng xanh để sản xuất, kinh doanh nhưng không thành công nên họ chọn phương án sản xuất tại Trung Quốc rồi đưa sang Việt Nam tiêu thụ. Con giống vận chuyển đường dài bị sốc môi trường, sức khỏe tôm suy giảm, dễ bị nhiễm bệnh đục cơ do virus MrNV và XSV gây ra có thể bị chết hàng loạt, hoặc dù tôm giống không bị nhiễm bệnh nhưng do giống thoái hóa sẽ rất chậm lớn, tiêu tốn nhiều thức ăn.
Hiện nay, trên thị trường tôm giống có tình trạng người ương giống trộn lẫn tôm giống Trung Quốc với tôm giống sản xuất tại địa phương để tăng lợi nhuận. Tuy nhiên việc xử lý rất khó khăn vì không phân biệt được sự khác nhau giữa hai nguồn này.
Trước tình hình này, Tổng cục Thủy sản đề nghị các tỉnh cần có cơ chế khuyến khích sản xuất giống tôm càng xanh, hỗ trợ xây dựng trại giống, hỗ trợ giá giống theo số lượng giống sản xuất phù hợp với Quyết định 2194 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển giống để chủ động con giống có chất lượng tốt tại chỗ cho nuôi trồng. Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn cho người dân nuôi tôm đúng kỹ thuật, chọn giống đảm bảo chất lượng từ các trại có uy tín để tránh việc ham giá rẻ mà mua giống chất lượng không đảm bảo; tăng cường quản lý chất lượng và kiểm dịch tôm giống lưu thông.
Related news
70 cán bộ hội ND, trong đó có 40 cán bộ chủ chốt hội cơ sở trong tỉnh nhiệm kỳ 2012-2017 vừa được Trường Cán bộ Hội ND triệu tập để trang bị kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành của hội năm 2012.
Thành phố Hải Phòng không có làng nghề truyền thống nào về nghề rèn, những hộ cá lẻ chuyên làm nghề này cũng ít. Với anh Tiêu Đức Lâm, đây là nghề tay trái, nhưng lại được nhiều người suy tôn là “vua rèn”, bởi tay nghề có hạng và sự mẫn cán của anh trong công việc.
Tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL thời gian qua được các chuyên gia xác định nguyên nhân chính là do thuốc BVTV (nông dân sử dụng để diệt giáp xác) tồn dư trong môi trường.