Gia Súc, Gia Cầm Rớt Giá, Người Chăn Nuôi Lao Đao

Chưa bao giờ người chăn nuôi lâm vào tình trạng “điêu đứng” như hiện nay. Không chỉ heo hạ giá mà liên tiếp trong nhiều tháng trở lại đây, giá các loại gia cầm cũng giảm “thê thảm”. Đây là đợt giảm giá mạnh và kéo dài nhất từ trước đến nay, trong khi đó, giá các loại thức ăn liên tục tăng từ 10 - 15% khiến cho người chăn nuôi thua lỗ.
Hiện tại, giá heo hơi trên thị trường dao động từ 34.000 - 36.000 đồng/kg đối với heo nuôi trong tỉnh, heo nhập tỉnh giá từ 37.000 - 38.000 đồng/kg. Lý giải vấn đề này, nhiều thương lái cho biết, do giống heo địa phương nhiều mỡ, còn heo nhập tỉnh ít mỡ, nhiều thịt nên giá cao hơn.
Theo tính toán của người nuôi heo, giá bán ra thị trường hiện thấp hơn nhiều so với giá thành sản phẩm. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi lao đao nếu như không tận dụng được thức ăn sẵn có.
Chị Phan Thị Hảo, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, ngậm ngùi chia sẻ: “Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 12 con heo chuẩn bị xuất chuồng, nhưng với mức giá này thì không thể bán được. Nếu bán với giá 3,5 triệu đồng/100 kg, trừ tiền mua con giống, thức ăn, sẽ bị lỗ vốn khoảng 500.000 đồng/con”.
Cùng tâm trạng với chị Hảo, ông Trần Văn Hiền cho biết, ngoài nuôi tôm, thời gian nhàn rỗi, thấy heo có giá nên đầu tư làm chuồng, mua 10 con heo giống về nuôi, với hy vọng vừa tạo việc làm lúc nông nhàn, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nào ngờ đến khi xuất bán, giá xuống quá thấp.
Theo ghi chép của ông Hiền, mỗi con heo giống có giá trên 1 triệu đồng, cộng thêm tiền mua thức ăn nuôi trong 5 tháng, tiền thuốc thú y thì giá thành sản phẩm nuôi được 1 kg heo hơi phải trên 40.000 đồng. Nhưng hiện tại giá thịt heo hơi chỉ bán được 35.000 đồng/kg, tính ra gia đình ông lỗ gần 5 triệu đồng.
Trên thực tế, người chăn nuôi chịu lỗ do giá thấp, trong khi đó giá heo thịt trên thị trường lại cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thịt heo tại chợ phường 2, phường 8, TP Cà Mau là 60.000 - 70.000 đồng/kg.
Chị Trần Thị Thu, người bán thịt heo, cho biết: “Do ảnh hưởng của thông tin heo, có chất tạo nạc, dịch heo tai xanh nên lượng thịt bán ra chậm hơn trước. Tuy nhiên, vẫn giữ nguyên ở mức giá 60.000 - 70.000 đồng/kg”.
Không chỉ có người chăn nuôi heo chịu cảnh lỗ vốn nặng, mà trước thông tin dịch cúm gia cầm tái bùng phát, trên cả nước nhiều hộ chăn nuôi gia cầm cũng rơi vào tình trạng “bi đát”, do thương lái ép giá với lý do dịch bệnh, ít người mua.
Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Cà Mau, cho biết, mặc dù trên địa bàn tỉnh không xuất hiện dịch bệnh nhưng thông tin dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát trên cả nước khiến giá heo hơi giảm mạnh.
Trong khi đó, giá thịt heo trên thị trường vẫn giữ nguyên như trước, người chăn nuôi bị thua lỗ nặng, còn các thương lái thì hưởng lợi từ chênh lệch giá. Tuy nhiên, cơ quan quản lý lại rất khó khăn trong vấn đề kiểm soát giá cả, bởi lẽ hầu hết giá mua, bán đều do người chăn nuôi và thương lái tự thương lượng với nhau.
Related news

Việc hướng nông dân làm theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là hết sức bức thiết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Theo tính toán của Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT, tới đây, sẽ có 4.000 tỷ đồng hỗ trợ người trồng lúa. Khoản chi này sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước hàng năm để giúp người trồng lúa theo nghị định số 42 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.

Nhiều năm trước, cũng như nhiều người dân địa phương, gia đình ông Bùi Đức Công ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chỉ trồng những loại cây ăn trái giống cũ nên năng suất và thu nhập thấp. Kể từ khi ông áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng phù hợp bằng những loại giống cây trồng mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần.