Giá Cá Tra Giảm Mạnh, Người Nuôi Lỗ Nặng

Những ngày gần đây giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL tiếp tục giảm mạnh khiến hàng loạt hộ nuôi khốn đốn.
Chiều 29-6, giá cá tra loại 1 chỉ còn khoảng 18.500 - 19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 3.000 - 3.500 đồng/kg; dù giá cá giảm mạnh nhưng người nuôi vẫn khó bán bởi các nhà máy hạn chế thu mua.
Ông Nguyễn Văn Mách, hộ nuôi cá tra ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), chua chát: “Tôi vừa bán hầm cá khoảng 170 tấn nhưng chịu lỗ gần 600 triệu đồng. Dù bán lỗ nhưng các nhà máy vẫn kỳ kèo từ 1,5 - 2 tháng mới thanh toán tiền. Tình hình này người nuôi rất khó”.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng, nhìn nhận, các địa phương cứ hô hào người nuôi cá treo ao hàng loạt, nhưng thực tế hộ này nghỉ thì hộ khác nhảy vào nuôi mới. Cụ thể, nguồn cung cá tra nguyên liệu vẫn dồi dào, cộng với giá xuất khẩu đang thấp; từ đó kéo giá cá giảm mạnh. Với đà này, người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cùng khó khăn. Vì vậy, rất cần các ngành chức năng tìm giải pháp hỗ trợ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong tháng 5-2013 các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đạt 174 triệu USD, tăng 15,7% so với tháng 5-2012. Tính chung 5 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra đạt 709 triệu USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Related news

Ngày 7.5, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai phối hợp UBND tỉnh tổ chức diễn đàn “Khuyến nông và Nông nghiệp lần 1/2012”. Tại đây, nhiều nhà khoa học khuyến khích nên áp dụng giải pháp chăn nuôi bằng thảo dược.

Là loại cây dễ trồng, rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao, cây táo được nông dân ở Ninh Thuận chọn trồng rộng khắp, thay thế cho nhiều loại cây trồng kém hiệu quả trước đây. Với diện tích trồng gần 1.000 ha, cây táo đang dần trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương của tỉnh Ninh Thuận. Cùng với sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp, sự chung tay liên minh sản xuất, đến nay nghề trồng táo ở Ninh Thuận đã phát triển theo hướng bền vững, nhiều hộ thành triệu phú nhờ trồng táo.

Ông Phạm Phó, ở thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), rời quê hương Mộ Đức, Quảng Ngãi vào sinh sống ở Châu Đức từ năm 1959. Năm nay, ông Phó đã 82 tuổi nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh và say mê lao động. Ngoài việc trồng tiêu và các loại cây trái trong vườn, gần đây ông Phó còn thử nghiệm thành công mô hình nuôi nhím.