Gặp Chủ Trang Trại Vịt Lớn Nhất Điện Biên

Rời quê Vĩnh Phúc lên xã Sam Mứn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lập nghiệp cách đây hơn chục năm trước, thời gian đầu rất gặp rất nhiều khó khăn do không nhà cửa, không đất sản xuất, với chút vốn ít ỏi và vài chục con vịt giống mang theo để bán, anh Phan Văn Mão đành phải dựng lán ở bờ sông Nậm Rốm để mưu sinh bằng nghề bán vịt giống. Đến nay anh đã trở thành chủ trang trại vịt lớn nhất Điện Biên.
Tích lũy kinh nghiệm từ việc buôn bán vịt giống, năm 2004, anh Mão mạnh dạn vay vốn mua 3.500 m2 đất ở đội 4 Pom Lót để lập trang trại chăn nuôi vịt. Lúc đầu anh chỉ nuôi 400 con, giống vịt bầu cánh trắng. Nhờ cần cù lao động, ham học hỏi, chẳng bao lâu anh đã phát triển đàn vịt lên một nghìn con, rồi hai, ba nghìn con vịt đẻ... Lấy ngắn nuôi dài, từ tiền bán trứng và bán vịt thịt anh đã đầu tư đào ao thả cá và lấy chỗ chăn thả vịt.
Không dừng ở đó, anh tiếp tục đầu tư làm lò ấp trứng để sản xuất vịt giống phục vụ cho việc tái đàn của gia đình, đồng thời cung cấp vịt giống và làm trứng vịt lộn để bán ra thị trường. Anh luôn chú trọng áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tuân thủ các quy trình sản xuất, đặc biệt là nắm bắt được những kiến thức cơ bản về chăn nuôi, nhờ đó đàn vịt của gia đình anh luôn khỏe mạnh và vượt qua được những đợt dịch.
Hiện nay, tổng đàn vịt của anh duy trì thường xuyên trên 5.000 con vịt đẻ và gần 1.500 con vịt hậu bị. Mỗi ngày vịt đẻ trên 3.000 quả trứng, số trứng vịt này anh cho vào lò ấp khoảng một nửa, còn nửa bán trứng trắng và trứng lộn. Cứ 2 ngày anh lại cho 4.000 quả trứng vào lò ấp 1 lần, sau 2 ngày cho ra 1 lứa vịt con với số lượng khoảng trên 3.000 con. Theo khung giá thị trường hiện nay, anh bán 9.000 đồng 1 con vịt giống. Tính ra, trong 2 ngày anh thu được gần 30 triệu đồng tiền bán vịt giống, trên chục triệu đồng tiền bán trứng trắng và trứng vịt lộn.
Trại vịt của anh thường xuyên có 2 người, thời gian cao điểm có 4 người giúp việc với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí từ cám, nhân công và tiền điện, mỗi ngày anh thu khoảng trên dưới 15 triệu đồng từ trang trại vịt.
Có thể nói, mô hình chăn nuôi vịt của anh Phan Văn Mão không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, đồng thời cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và an toàn cho người tiêu dùng nhờ giống vịt tốt, dễ nuôi, ít bệnh. Đây được xem là mô hình điển hình tiên tiến, hiệu quả nhất của Điện Biên, đang được nhiều hộ nông dân học hỏi và làm theo.
Related news

Nằm trên dãy núi Nưa của xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, trang trại của thầy giáo Ngợi bao gồm hơn 200 con trâu, bò, hàng trăm con dê, lợn, gà. Trải qua gần 6 năm phấn đấu, nỗ lực, giờ đây ước tính trang trại trên 30 ha đất núi của thầy với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng.

Giúp nông dân nuôi bò sữa có nguồn thu nhập ổn định, người tiêu dùng có được sản phẩm chất lượng là mục tiêu của Công ty FrieslandCampina Việt Nam trong hơn 17 năm qua

Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 52 trại sản xuất giống thuỷ sản, mỗi năm sản xuất trên 8 tỷ con giống các loại, dẫn đầu các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung. Chất lượng giống thuỷ sản sản xuất trong tỉnh được đánh giá cao không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp lượng giống khá lớn cho các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung.