Kinh Tế Hộ Gia Đình, Cách Làm Hiệu Quả
Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Phạm Văn Phú, ở thôn Suối Nhum, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) một ngày đầu tháng tư. Dưới cái nắng gay gắt của vùng đất khô hạn, vậy mà vợ chồng ông đã tạo dựng nên mô hình sản xuất các giống cây hoa màu xanh tốt. Lân la trò chuyện cùng ông bên vườn cây màu đang bước vào mùa thu hoạch. Ông Phú tiết lộ: “Gia đình về vùng đất nghèo khô hạn này từ năm 2000. Lúc đó nơi đây hoang hóa, chỉ cây tạp và rất khó sản xuất. Sự chịu khó của vợ chồng, cộng với quyết tâm làm giàu, đã khai phá lập nên khu vườn để sản xuất và trồng các loại cây trồng, kết hợp chăn nuôi, kiếm kế mưu sinh”.
Trên diện tích rộng gần 2 ha, năm đầu ông chỉ sản xuất cây đậu, cây bắp và dưa hấu. Vì phụ thuộc nguồn nước trời, nên mỗi năm ông chỉ sản xuất một vụ, nguồn thu bấp bênh. Thời gian gần đây, nhờ sản xuất thuận lợi, có nguồn thu, vợ chồng ông lại mạnh dạn vay thêm vốn, khoan giếng lấy nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển. Nhờ đó mà sản xuất, thâm canh tăng vụ với nhiều loại cây trồng liên tục quanh năm.
Ý chí vượt khó của người nông dân vốn “một nắng hai sương”, luôn biết chịu đựng trước những khó khăn, vất vả là điều dễ nhận thấy ở con người ông. Ở tuổi ngoài 55, vậy mà vợ chồng ông Phú không để đất nghỉ, theo từng mùa vụ, vợ chồng chịu khó cày xới, sản xuất thâm canh nhiều giống cây trồng khác nhau. Trên diện tích gần 2 ha, ông chia ra sản xuất nhiều loại, trong đó dưa hấu hơn 6 sào, bình quân mỗi năm ông sản xuất hai vụ, lãi hơn 20 triệu đồng. Phần đất còn lại ông trồng 200 cây đu đủ. Hiện 200 cây đu đủ đang cho trái rất nhiều. Những ngày qua, thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 5.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, ông còn trồng xen giống cà tím vào bên dưới vườn đu đủ để tận dụng quỹ đất. Hiện 500 cây cà tím cũng đang cho trái, cứ cách 3 ngày ông lại hái một lần, bán tại vườn giá 5.000 đồng/kg, góp phần tăng thu nhập. Trồng cà tím thâm canh cùng đu đủ có nhiều thuận lợi, hạn chế được cỏ dại mọc, khi bón phân, xịt thuốc cũng tiện lợi.
Theo ông, sản xuất thâm canh kiểu này nhanh thu hoạch, ít rủi ro, bán được giá cao, nên việc sản xuất cũng thuận lợi. Mặt khác, phần diện tích đất còn lại khá màu mỡ, ông lại sản xuất giống bí đỏ hồ lô. Theo ghi nhận của chúng tôi, vườn bí hồ lô trên 6 sào của ông cũng đang cho nụ và trái non. Nếu thời tiết ổn định không có gì bất thường, không bao lâu, vườn bí hồ lô này sẽ cho năng suất cao là điều chắc chắn.
Với cách làm tổng hợp như gia đình ông, hàng năm thu về gần 100 triệu đồng. Đối với các mô hình sản xuất khác thì nguồn thu này không cao, nhưng đây là cách làm hiệu quả, lại khá bền vững, không lo sợ lúc được mùa mất giá như các hàng nông sản, cây trái khác hiện nay. Nhìn từ thực tế, cách làm đơn giản nhưng hiệu quả của gia đình ông Phạm Văn Phú thì ai nghĩ đến. Mô hình sản xuất này, nếu người dân lân cận mạnh dạn áp dụng, sẽ góp phần đa dạng hóa các giống cây trồng, nâng cao giá trị sử dụng đất, mang lại giá trị kinh tế cao, đưa địa phương ngày một phát triển.
Related news
Một số nông dân tại các vùng nuôi cá nước ngọt lớn thuộc TP. Biên Hòa, các huyện Định Quán và Trảng Bom cho hay, giá cá nước ngọt, như: chép, điêu hồng, lóc, rô đồng bán tại bè, ao, hồ đang giữ khá cao. Cụ thể, cá chép khoảng 45 - 46 ngàn đồng/kg, điêu hồng 40 - 42 ngàn đồng/kg, rô đồng từ 35 - 36 ngàn đồng/kg…
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, nghề chăn nuôi bò sữa đang phát triển mạnh ở một số huyện và trở thành nghề làm giàu cho một bộ phận người dân ngoại thành Hà Nội. Tổng đàn bò sữa của toàn thành phố hiện có 10.868 con với sản lượng sữa đạt 92,6 tấn/ngày.
Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra để chế biến xuất khẩu tại ĐBSCL có chiều hướng tăng nhẹ trở lại. Các doanh nghiệp cho rằng giá cá tra tăng, một phần là do nguồn cá đang dần khan hiếm do nhiều người nuôi tại khu vực này đã “treo ao”.