Đưa Nghề Nuôi Chim Yến Phát Triển Bền Vững
“Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” là đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng được Công ty Yến sào Khánh Hòa triển khai từ năm 2011, góp phần đưa nghề nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển bền vững.
Được triển khai từ tháng 9-2011, các thành viên thực hiện đề tài đã tập trung nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh sản của chim yến trong nhà; kỹ thuật xây dựng nhà yến; xây dựng quy trình nuôi chim yến trong nhà; các vật liệu, dung dịch, hợp chất, thiết bị dùng trong xây dựng và lắp đặt nhà yến…
Một trong những nội dung quan trọng và khó khăn hơn cả là kỹ thuật nuôi chim con và phát triển đàn chim yến. Để thực hiện được quy trình này, những kỹ sư của Công ty Yến sào Khánh Hòa phải đưa trứng chim yến từ các đảo yến về ấp nở nhân tạo, đồng thời thực hiện nhiều công đoạn phức tạp từ khâu ấp nở đến tập cho chim bay…
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ Sanatech (Công ty Yến sào Khánh Hòa) cho biết: “Việc thực hiện đề tài phải qua nhiều bước nghiên cứu, nhiều công đoạn thử nghiệm công phu để đạt được kết quả tốt nhất. Các kỹ thuật viên đều được tập huấn trước mỗi mùa vụ ấp nuôi.
Bên cạnh đó, các quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà cũng được tuân thủ nghiêm ngặt. Chúng tôi rất chú trọng công tác vệ sinh, khử trùng, phòng dịch tại cơ sở ấp nuôi nhân tạo”.
Qua 20 tháng triển khai đề tài, đến nay, Công ty đã thực hiện đầy đủ các nội dung đề ra, vận hành mô hình nuôi chim yến, thực hiện giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ trên 4 mô hình tại nhiều khu vực khác nhau.
Trong đó, 1 mô hình ở TP. Nha Trang có số lượng chim ở hơn 2.000 con, đã làm hơn 600 tổ yến; 3 mô hình ở các khu vực nông thôn trong tỉnh với số lượng chim yến ở ổn định hơn 150 con/mô hình, chim đã bắt đầu làm tổ trong các nhà yến này.
Thành công của đề tài đã giúp cho số lượng đàn chim yến tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, kết quả các chỉ tiêu mà đề tài thực hiện được đến thời điểm này đều đạt và vượt so với yêu cầu đề ra. Cụ thể như: Tỷ lệ chim ấp, nở thành công hơn 90%, vượt 10% so với yêu cầu; tỷ lệ chim trưởng thành đạt 70%, vượt hơn 30% so với mục tiêu ban đầu, tỷ lệ chim quay về tổ đạt hơn 30%.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm nghiên cứu của đề tài đã được áp dụng thành công tại các nhà yến trong toàn quốc và mang lại doanh thu như: Dung dịch tạo mùi bầy đàn, bộ âm thanh dẫn dụ, tư vấn kỹ thuật xây dựng nhà yến và nuôi chim yến trong nhà…
Theo đánh giá của các thành viên tham gia đề tài nghiên cứu, thành công lớn nhất của đề tài là việc ấp nở chim yến, Công ty là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện được kỹ thuật này. Hoàn thiện được quy trình ấp nở, Công ty đã chủ động được nguồn giống cho các nhà nuôi chim yến - điều mà trước đây không thể thực hiện được.
Ông Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết: “Trước đây, để phát triển nhà yến, các đơn vị tư vấn sử dụng kỹ thuật dẫn dụ từ tự nhiên. Do đó, chim yến chỉ di đàn từ nhà yến này sang nhà yến khác mà tổng đàn không thay đổi. Hiện nay, với sự thành công của đề tài, chúng tôi đã chủ động được nguồn giống. Đây là bước phát triển mới cho nghề nuôi chim yến trong nhà. Công ty đã đủ nguồn giống để cung cấp cho các nhà yến”.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu của Công ty Yến sào Khánh Hòa đang tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà, tiến hành tổng kết các mô hình, nghiệm thu đề tài, từ đó nhân rộng đến người dân trên địa bàn tỉnh và cả nước; đồng thời cùng với các ngành chức năng nhanh chóng thực hiện quy hoạch nghề nuôi chim yến trong nhà mang tính bền vững.
Bà Trương Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá: Kết quả nghiên cứu này đã giúp Công ty phát triển được chim con, chủ động nguồn giống. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch nghề nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung.
Related news
Sinh năm 1988 ở thôn Sen Đông, xã Sen Thủy (Lệ Thuỷ - Quảng Bình), học hết lớp 9, Lê Đăng Tây đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Sau nhiều năm làm thuê trong Nam
Giá gạo nội tiêu và XK của Thái Lan tăng tới 1-3%, trong khi đó lượng gạo XK theo hợp đồng với Nigeria vẫn tiếp tục được thực hiện.
Tại tỉnh Trà Vinh, nhiều diện tích nuôi tôm sú chính vụ 2011 đang trong giai đoạn từ 30 - 45 ngày tuổi bị chết vì bệnh đỏ thân. Đến nay, ở các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú đã có gần 1.110 ha tôm sú của 930 hộ dân bị thiệt hại, với số lượng gần 44 triệu con