An Thịnh Giảm Nghèo Từ Cây Mía
Từ một thôn nghèo nhất xã, 3 năm trở lại đây, đời sống bà con thôn An Thịnh, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) đã có những thay đổi rõ rệt nhờ đẩy mạnh thâm canh cây mía, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao..
Thôn An Thịnh có 60 hộ gia đình, 328 nhân khẩu, 100% bà con là người dân tộc Tày. Do điều kiện về diện tích đất nông nghiệp ít, toàn thôn chỉ có 14 ha đất lúa, trong đó đất ruộng 2 vụ chỉ có 8,3 ha, nguồn nước lại không đảm bảo, nên bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, đời sống.
Cách đây 5 năm, An Thịnh được coi là một trong những thôn bản đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo 80%, cao nhất của xã Tân Thịnh. Nhưng nay, cùng với cây lúa, người dân trong thôn đã mạnh dạn đưa cây mía vào trồng trên toàn bộ diện tích đất màu đồi mà trước đây sản xuất kém hiệu quả với tổng diện tích trên 24 ha.
Nhờ cây mía mà nhiều hộ dân ở An Thịnh đã có nguồn thu nhập từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đặc biệt với hộ nghèo như gia đình anh Lý Văn Hợp, thì cây mía thực sự là cây xóa nghèo hiệu quả. Trước đây, với việc sản xuất 4.000 m2 ruộng lúa, trong đó có trên 2.000 m2 đất ruộng 1 vụ, mặc dù đã đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, nhưng mỗi năm gia đình anh chị cũng chỉ đủ lương thực ăn trong năm.
Để có tiền cho con ăn học, anh chị phải bươn chải làm thuê, làm mướn bên ngoài. Vụ xuân năm 2010, thực hiện quy hoạch của huyện, xã đưa cây mía vào trồng trên đất soi bãi, màu đồi. Gia đình anh Hợp đã mạnh dạn đăng ký trồng trên 6.000 m2 đất bãi của gia đình.
Qua thu hoạch, ngay trong vụ đầu tiên trừ chi phí, gia đình anh Hợp đã thu lãi trên 40 triệu đồng. Năm 2011 gia đình anh mở rộng diện tích mía lên 8.000 m2, thu lãi hơn 60 triệu đồng. Nhờ có cây mía mà gia đình anh Hợp đã có nguồn thu nhập, có tích lũy để sửa sang lại nhà cửa, mua sắm vật dụng và lo cho con cái ăn học. Năm 2012, gia đình anh Hợp đã mở rộng trồng mới được gần 3.000 m2 mía, nâng tổng diện tích mía của gia đình lên trên 1 ha hiện đang phát triển tốt.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Hợp phấn khởi cho biết: “Phát triển cây mía nguyên liệu đúng là hướng thoát nghèo cho bà con An Thịnh. Mấy năm trước cứ đến mùa thu hoạch sắn, bà con phát khóc vì củ chỉ to hơn ngón chân cái, đất bãi mà trồng sắn lâu năm càng bạc màu. Đất này may mà hợp cây mía chứ không chẳng biết trồng gì cho hiệu quả”.
Đến An Thịnh thời điểm này, màu xanh của cây mía đã tràn từ đồi, bãi xống đồng ruộng. Tuy nhiên, để cây mía vào được đồng đất An Thịnh là kết quả vận động không mệt mỏi của cán bộ, đoàn thể thôn, trong đó cán bộ, đảng viên luôn là những người gương mẫu đi đầu thực hiện.
Bà Lý Thị Bào, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn An Thịnh cho biết, năm 2010, lần đầu tiên cây mía được đưa vào trồng trên đồng đất của An Thịnh chỉ với chưa đầy 10 ha, ngay vụ thu hoạch đầu tiên, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng. Vì vậy, sang vụ mía năm 2011 diện tích đã tăng lên 20 ha chủ yếu được trồng trên diện tích đất màu đồi sản xuất kém hiệu quả và một số diện tích đất ruộng 1 vụ.
Kết thúc vụ thu hoạch mía năm 2011, năng suất bình quân đạt từ 70 tấn/ha trở lên, đã khẳng định cây mía thực sự là cây trồng phù hợp mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân ở An Thịnh xóa được nghèo, phát triển kinh tế hộ. Hàng chục hộ nghèo như gia đình anh Lý Văn Hợp, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, ông Hà Cảnh Thường, ông Hà Đình Vũ… đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá trong thôn. Năm 2011, An Thịnh có trên 60% số hộ có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 8 hộ. Vụ mía năm 2012 An Thịnh có 24 ha mía, phấn đấu đến hết năm 2012, An Thịnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2 hộ.
Kinh tế phát triển, người dân ở An Thịnh có điều kiện tích cực tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động để thực hiện hoàn thiện trên 300 m2 đường bê tông nông thôn, tham gia xây dựng cầu tràn qua suối. Bộ mặt nông thôn ở An Thịnh đã có sự thay đổi rõ rệt, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để An Thịnh cùng với các thôn bản khác trên địa bàn xã Tân Thịnh tham gia tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Related news
Nếu như trước đây, người trồng nấm ở Bảo lộc gần như chỉ tập trung vào sản xuất giống nấm mèo bởi có đầu ra ổn định (dù không đem lại giá trị kinh tế cao) và cũng không đòi hỏi kỹ thuật cao trong nuôi trồng. Nay, các loại nấm cao cấp như sò đùi gà, bào ngư nhật, bào ngư xám… đã được các hộ trồng nấm mạnh dạn đưa vào sản xuất, bởi ngoài lợi ích kinh tế họ còn không phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống.
Ngày 30/5/2012, đoàn cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực theo hướng GAP trong ao tại tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh.
Đến xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ (Long An), ai cũng biết anh Trịnh Văn Bé Sáu là nông dân điển hình thực hiện nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, mỗi năm lãi hơn 500 triệu đồng.