Dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững (còn gọi là Dự án KfW6) do Chính phủ Đức hỗ trợ vốn được triển khai tại Bình Định từ năm 2006. Đến nay dự án đã cho hiệu quả khả quan...
Bình Định là 1 trong 4 tỉnh của khu vực miền Trung được chọn tham gia thực hiện Dự án KfW6. Mục tiêu của dự án nhằm khôi phục và quản lý bền vững các diện tích rừng ở những nơi có nguy cơ bị đe dọa về sinh thái; quản lý bền vững rừng thứ sinh, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, tạo việc làm cho người dân.
Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn Hầm Hô trên địa bàn xã Tây Phú (Tây Sơn) được quản lý, bảo vệ khá tốt.
Tổng kinh phí đầu tư cho dự án này là 12,3 triệu Euro, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức là 9,715 triệu Euro. Thời gian thực hiện dự án trong 9 năm, từ 2005-2013, trong đó 6 năm đầu tổ chức trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ và 3 năm hậu dự án.
Để triển khai dự án, Bình Định đã đăng ký khôi phục và quản lý bền vững khoảng 22.700ha rừng ở những nơi có nguy cơ bị đe dọa về môi trường sinh thái và quản lý bền vững khoảng 10.000ha rừng thứ sinh, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; đồng thời tạo việc làm ổn định cho khoảng 15.000 hộ nông dân, đảm bảo thu nhập thường xuyên thông qua việc khai thác các sản phẩm dưới tán rừng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 huyện tham gia Dự án KfW6 là Hoài Nhơn, Hoài Ân và Tây Sơn. Trong các năm từ 2006 - 2011, tổng diện tích rừng dự án được thực hiện là 11.362ha. Tổng nguồn vốn đã đầu tư cho dự án là 61 tỷ đồng, trong đó vốn của Chính phủ Đức hỗ trợ 49 tỷ đồng, chiếm 80,3%; vốn đối ứng của tỉnh hơn 12,65 tỷ đồng, chiếm 19,7%.
Ông Nguyễn Thế Dũng- Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án KfW6 Bình Định cho biết: “Ngay từ khi triển khai thực hiện dự án, chúng tôi đã đưa vào trồng nhiều giống cây lâm nghiệp phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng tại địa phương, có giá trị kinh tế cao như cây sao đen, lim xanh, keo lai, keo lá tràm, mây nếp, dầu rái, dó trầm, xoan ta, bời lời… để trồng xen ghép trong rừng phòng hộ. Nhờ đó, các huyện tham gia dự án đã có những cánh rừng đa dạng sinh học, vừa góp phần phòng hộ đầu nguồn vừa giúp cho người dân có thu nhập ổn định”.