Đồng Bằng Sông Cửu Long Tổ Chức Lại Sản Xuất Trên Biển
Hướng tới việc khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và bền vững, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đề ra nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất trên biển, đồng thời thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nguồn lợi hải sản ven bờ biển ĐBSCL giảm mạnh và đã có dấu hiệu tổn thương. Cá nổi nhỏ đã khai thác vượt quá giới hạn 25 - 30%, làm mất dần khả năng tái tạo, phục hồi mật độ quần thể, đồng thời làm cá nổi loại lớn thiếu thức ăn.
Hải sản tầng đáy cũng bị khai thác ở mức độ cao, vượt quá giới hạn cho phép từ 30 - 35%, trong đó có nhiều giống loài hải sản có nguy cơ tuyệt chủng. Nguồn lợi hải sản vùng lộng và vùng biển xa bờ chưa được đánh giá và dự báo chính xác.
Về nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, sản xuất tôm giống tại ĐBSCL được đẩy mạnh nhưng chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu. Tình hình bệnh tôm vẫn xảy ra khá nghiêm trọng.
Để việc khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và bền vững, các tỉnh ĐBSCL có kế hoạch tổ chức lại sản xuất trên biển trên cơ sở xây dựng quan hệ sản xuất gắn với các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ hiệu quả, giảm dần đánh bắt ven bờ.
Cùng với đó, các tỉnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong đánh bắt, lập các đội tàu hỗ trợ nhau đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao. Các địa phương cũng khuyến khích các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết đầu tư vốn, phương tiện vừa khai thác xa bờ vừa bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, vận động ngư dân không sử dụng điện, chất nổ, chất độc đánh bắt thủy hải sản; không khai thác, mua bán, chế biến các loại thủy hải sản trong mùa sinh sản.
Trong nuôi trồng thủy sản, các tỉnh ĐBSCL sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, lưu thông giống, đảm bảo đủ giống sạch bệnh, đa dạng, đúng mùa vụ. Bên cạnh đó, các tỉnh đẩy mạnh phát triển nghề nuôi thủy sản ở các tỉnh có lợi thế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến cũng như nhân rộng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn GAP để đẩy mạnh xuất khẩu.
Hiện nay, diện tích mặt nước nuôi thủy sản tại ĐBSCL gần 700.000 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 2,1 triệu tấn, chiếm 72% sản lượng cả nước, trong đó có khoảng 370.000 tấn tôm, chiếm 76% cả nước.
Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác toàn vùng ĐBSCL đạt 517.500 tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm 2012, chiếm 41% sản lượng cả nước. Sản lượng nuôi trồng đạt 1,06 triệu tấn, tăng 4%, chiếm 71% sản lượng cả nước.
Related news
Tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề “Phát triển nghề trồng nấm hiệu quả” nhiều diễn giả cho rằng, nếu phối hợp đồng bộ giữa “4 nhà” sẽ khai thác tốt tiềm năng phát triển nghề trồng nấm của nước ta. Trong đó, Đồng Tháp cũng là địa phương có truyền thống sản xuất nấm, hàng năm cung ứng cho thị trường 9.500 tấn nấm rơm...
Đồng Hỷ là huyện miền núi có diện tích trồng cây ăn quả lớn của tỉnh Thái Nguyên, trong đó diện tích trồng vải khoảng 835 ha và 290 ha nhãn. Cây vải chủ yếu là vải thiều Thanh Hà, thời vụ thu hoạch ngắn từ 15 – 30/6 hàng năm, giá bán thấp nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Cây nhãn chủ yếu là giống nhãn địa phương, trồng bằng hạt, chất lượng chưa được ngon, quả nhỏ, hạt to, cùi mỏng, năng suất thấp.
Ông Nguyễn Hữu Ánh, phó trưởng Trạm khuyến nông - lâm - ngư huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) cho biết để khắc phục tình trạng bị thoái hóa giống, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác, một nhóm kỹ sư của trạm đã nhân giống thành công chuối già lùn bằng phương pháp nuôi cấy mô. So với các loại giống chuối thông thường, chuối nuôi cấy mô có thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn hơn, thu hoạch đại trà cả vườn một lần, năng suất cao...