Điểm Sáng Về Mô Hình Quản Lý Cộng Đồng Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Được hình thành và phát triển cách đây hơn 4 năm, đến nay công tác xây dựng và quản lý hoạt động của các tổ quản lý cộng đồng (QLCĐ) trong nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi của TX Sông Cầu (Phú Yên) vẫn không ngừng phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả bằng những hình thức hoạt động mới hơn, sáng tạo hơn nhằm thu hút bà con ngư dân ở những vùng nuôi thủy sản.
Phường Xuân Yên là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng và phát huy thế mạnh của hoạt động cộng đồng. Bởi lẽ, hoạt động cộng đồng mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ vùng nuôi, môi trường; bảo vệ quyền lợi, nguồn thu nhập chính của bà con ngư dân địa phương. Lãnh đạo UBND phường Xuân Yên luôn quan tâm đến mô hình phát triển của các tổ cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản.
Dựa trên nội quy, quy chế hoạt động sẵn có của các tổ quản lý, lãnh đạo UBND phường đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với bà con ngư dân để lấy ý kiến trên tinh thần tập thể, dân chủ; cùng với người dân tham gia khảo sát lại từng vùng nuôi, môi trường, nắm rõ từng đối tượng nuôi để khoanh vùng và thành lập tổ phù hợp với vùng nuôi đó. Kinh phí hoạt động do bà con và thành viên trong tổ tự nguyện đóng góp và được chi phí, phục vụ cho hoạt động của tổ.
Nội quy, quy chế hoạt động của tổ luôn được bổ sung phù hợp với thực tế và theo hương ước của phường, của thôn… Nếu như trước đây, các tổ quản lý cộng đồng của phường Xuân Yên được hình thành theo dòng họ, thôn xóm và do Hội Nông dân quản lý, thì hiện nay hoạt động của tổ có sự quản lý, chỉ đạo của UBND phường.
Anh Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Xuân Yên cho biết: Phường rất quan tâm đến hoạt động của các tổ quản lý cộng đồng, xây dựng các tổ quản lý phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Nhờ vậy đã tạo được niềm tin, uy tín với bà con, tạo động lực để bà con tham gia tích cực, nhiệt tình hơn với hoạt động của tổ, nâng cao trách nhiệm và ý thức bảo vệ vùng nuôi, môi trường nuôi. Nhờ vậy, năm qua, bà con đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 2 vụ vi phạm vùng nuôi, ngăn không cho dịch chuyển lồng nuôi bị dịch bệnh đến vùng nuôi an toàn.
Mật độ lồng nuôi cũng được bà con thực hiện nghiêm túc nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Nhờ hoạt động của tổ quản lý cộng đồng nên năm 2012, số lồng nuôi bị dịch bệnh chỉ có 10 đến 15% bị thiệt hại sản lượng do bệnh sữa, vùng nuôi của địa phương không nằm trong diện bị công bố dịch.
Hiện nay, phường đã có 10 tổ quản lý cộng đồng đi vào hoạt động nề nếp với 315 thành viên tham gia; quản lý khoảng 2.800 đến 2.900 lồng nuôi thủy sản ở vịnh Xuân Đài. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ quản lý cộng đồng của phường hoạt động ngày càng hiệu quả, không những giúp bà con ngư dân yên tâm và ổn định sản xuất, làm ăn phát triển kinh tế mà còn là nơi để các tổ cộng đồng ở các địa phương khác đến học tập và trao đổi kinh nghiệm.
Related news

Tổ công tác của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau vừa bắt quả tang cơ sở giết mổ heo của ông Nguyễn Quốc Tuấn ở huyện Cái Nước gian lận trọng lượng bằng cách bơm nước vào heo trước khi mổ.

Mùa này về Yên Châu (Sơn La), khách thập phương thường mua mấy cân xoài về làm quà. Xoài tròn ở đất này đã trở thành thương hiệu. Hiện nay, Yên Châu (Sơn La) có trên 580 ha trồng xoài, trong đó có gần 400 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 1.000 tấn quả.

Anh út Hận (chợ Ba Thê cũ, xã Bình Thành, Thoại Sơn, An Giang) cho biết: Từ cuối tháng 5/2013, thương lái các tỉnh phía Bắc đã vào thu mua rắn hổ hèo thương phẩm nên giá bán tăng từ 500.000 đồng/kg lên 650.000 đồng/kg.