Để Mía Đạt Chữ Đường Cao
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là nông dân huyện Phụng Hiệp sẽ chính thức bước vào thu hoạch vụ mía 2013-2014. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào thu hoạch mía vừa đạt năng suất và chất lượng (chữ đường) đang là nỗi trăn trở của người dân nơi đây.
Trong canh tác mía, chữ đường (CCS) là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến giá thu mua mía cho nông dân. Thế nhưng, việc có được CCS như mong muốn không phải là chuyện làm dễ dàng, vì bà con trồng mía thường theo kiểu truyền thống, trồng nhưng ít khi quan tâm đến khâu chăm sóc nên dẫn đến mía có năng suất và chất lượng thấp, từ đó cho thu nhập không cao.
Để từng bước cải thiện tình trạng trên, thời gian qua, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã đưa ra nhiều chương trình thiết thực và không ngừng phối hợp với chính quyền địa phương trong vùng nguyên liệu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Xuân Đại, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, bộc bạch: “Đã đến lúc nông dân cần thay đổi cách sản xuất của mình để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì trong canh tác mía hiện nay, nhiều bà con vẫn còn trồng theo kinh nghiệm, một số hộ chỉ lo đến năng suất mà quên chú ý đến chữ đường.
Theo khuyến cáo, chúng ta nên ngưng bón phân từ 5-6 tháng trước khi thu hoạch để có CCS cao. Tuy nhiên có nhiều hộ, mía còn khoảng 2 tháng thu hoạch vẫn đem phân ra rải. Việc làm này, sẽ làm giảm chữ đường đáng kể do mía chứa nhiều nước, trong khi nhà máy hay thương lái mua mía chỉ căn cứ trên chữ đường mà quyết định giá cả”.
Qua nghiên cứu của các nhà chuyên môn về mía đường, mía là loại cây trồng cần nhiều kali hơn cả đạm và lân. Do kali có vai trò quan trọng trong việc làm gia tăng lượng đường cho mía, giúp mía kháng sâu bệnh và chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường. GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ cho biết: Nếu thiếu kali, dấu hiệu đầu tiên xuất hiện ở lá là có những đốm màu vàng nhạt hay trắng ở chóp lá và hai bên bìa lá, nếu không được khắc phục thì lá bị khô dần rồi chết. Do đó, cần phải bón đủ kali nhưng phải cân đối với chất đạm, lân để mía có năng suất và chữ đường cao, nhất là giai đoạn mía còn khoảng 4-5 tháng là thu hoạch.
Bên cạnh đó, việc thu hoạch mía đủ tuổi chín cũng góp phần làm cho chữ đường tăng cao, do lúc này chữ đường đo ở gốc và ngọn gần bằng nhau. Ở vùng mía huyện Phụng Hiệp, có những nơi trồng mía một vụ do bị ngập hàng năm vào mùa nước lên. Mặc dù, có những ưu điểm như: Ít sâu bệnh nhờ cắt vụ đồng loạt; đất canh tác được bền vững nhờ có thời gian nghỉ; lũ về mang theo phù sa bồi đắp cho đất…
Nhưng ngập lũ cũng có bất lợi, phải thu hoạch mía rộ, có khi mía chưa đạt độ chín, chữ đường thấp, thiếu công thu hoạch và vượt quá khả năng tiêu thụ của các nhà máy. Anh Võ Quân Vũ, Phó Giám đốc Bộ phận khuyến nông Casuco, cho biết: “Tùy theo giống và điều kiện thời tiết mà hàm lượng đường trong thân khi mía chín có thể giữ vững khoảng 1-2 tháng. Sau đó bắt đầu giảm dần do bị suy tàn hoặc do tái sinh trở lại. Vì vậy, bà con cần có kế hoạch thu hoạch mía đúng thời gian cho phép, tốt nhất là theo phiếu bao tiêu với công ty”.
Qua thử nghiệm tại vùng mía Phụng Hiệp đối với giống ROC16, nếu mía thu hoạch đủ tuổi sẽ đạt năng suất ít nhất 100 tấn/ha, với chữ đường 10 CCS, trong khi thu hoạch mía non từ 8-9 tháng thì năng suất chỉ đạt khoảng 80 tấn/ha và chữ đường chỉ là 8 CCS. Như vậy, thu hoạch sớm thì nông dân sẽ mất đi một khoản thu nhập khá lớn, còn doanh nghiệp phải chạy lỗ do lượng đường thu được khá ít.
Với hơn 30 năm trong nghề trồng mía, ông Phạm Văn Chiến, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, chia sẻ: “Người trồng mía phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ khâu chọn giống phù hợp đến các bước chăm sóc hợp lý thì mía mới có khả năng cho năng suất và chất lượng cao.
Trong đó, đặc biệt chú ý đến vấn đề hạn chế mất chữ đường trên mía. Cụ thể, hạn chế mía trổ cờ, không để mía bị ngập nước trên 2 tháng mới thu hoạch, mía đốn xong phải chuyển ngay đến nhà máy đường, không để quá 2 ngày sau thu hoạch…”.
Anh Võ Quân Vũ, Phó Giám đốc Bộ phận khuyến nông Casuco, cho biết thêm: Để giúp người dân không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng mía, hàng năm, khi chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, Casuco đều tổ chức những buổi hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu một số giống mía mới triển vọng, những cải tiến trong sản xuất,… Riêng vụ mía 2013-2014 này, Casuco sẽ tổ chức 44 buổi ở 22 xã, phường trong vùng nguyên liệu, mỗi buổi có từ 60 nông dân trở lên.
Từ đầu vụ đến nay, Bộ phận khuyến nông của Casuco đã tổ chức được hơn 70% số buổi, chủ yếu tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng và chăm sóc mía. Đặc biệt, từ nay đến cuối vụ, là thời điểm chuẩn bị và bước vào thu hoạch mía, do đó việc tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hoạch mía như thế nào đạt năng suất và CCS được xem là nhiệm vụ trọng tâm của công ty…
Có thể bạn quan tâm
Chúng tôi về xã Giao Hà (Giao Thủy) đúng lúc người dân đang hối hả, tất bật với việc thu hoạch hoa hòe để… chạy bão. Già, trẻ, gái, trai ai cũng bận rộn “hái hòe”. Đây cũng là thời điểm cây hòe đang cho hoa, nụ nhiều nhất trong năm. Nhiều năm nay, người dân trong xã đã khai thác thế mạnh của đất phù sa sông Hồng để trồng hòe và đinh lăng xuất bán làm dược liệu.
Toàn thôn Thanh Thủy (Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) có 550 hộ dân thì đã có hơn 400 hộ dân theo đuổi nghề trồng hành hàng chục năm nay. Trước hiệu quả kinh tế đem lại, cây hành ngày càng được bà con nông dân “tín nhiệm”. Họ rất muốn mở rộng diện tích trồng hành nhưng lại gặp phải “nút thắt” vì thiếu cát.
Trong tháng 7/2013, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh phối hợp với Công ty Giống Trang Nông, Công ty phân bón Bình Điền, Công ty Donatechno triển khai thực hiện cánh đồng mẫu dưa hấu cho 47 hộ dân ở ấp Huyền Đức, trên diện tích 24,1ha.