Cuộc Chiến Vì Niêu Cơm
Hết cầu cứu Chủ tịch huyện...
Âm ỉ từ mấy năm trước, cho đến đợt Tết vừa rồi, vấn đề đất nông nghiệp ở thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) trở thành chủ đề thời sự nóng bỏng. Đó là sự kiện 450 hộ dân trong thôn cùng ký vào lá đơn kêu gọi tới các cơ quan ban ngành chức năng cầu xin đừng thu hồi đất nông nghiệp nữa. Thậm chí, mấy tháng sau Tết họ đã 5 lần lập thành đoàn 300-400 người kéo xuống nhà ông Chủ tịch huyện để trình bày, kể khổ. Ấy vậy nhưng số phận những diện tích nông nghiệp ít ỏi sót lại vẫn đang còn thấp thỏm.
Quyết Tiến là thôn thuần nông. Từ bao đời nay những người dân chỉ biết nghề làm nông nghiệp. Hai vụ lúa một vụ màu cũng đủ để đảm bảo đời sống của hơn 450 hộ dân. Xót xa, khổ cực bắt đầu từ gần 10 năm trước, khi các dự án KCN đặt chân đến vùng quê này.
Chỉ trong vòng có 8 năm, người dân thôn Quyết Tiến đã 3 lần ngậm đắng nuốt cay nhìn KCN lấy mất “nồi cơm” của mình. Năm 2003, họ bị thu hồi hơn 10ha, đến năm 2005 tiếp tục thu hồi 30ha và năm 2007 lại thu hồi 20 ha. Tổng cộng có 60 ha, gần một nửa đất nông nghiệp của thôn bị thu hồi. Tiếc thì có tiếc, buồn cũng rất buồn, nhưng tất cả những người dân chân lấm tay bùn đều nghĩ: Đã là chính sách nhà nước thì phải chấp hành, chung quy cũng để phục vụ đời sống người dân mà thôi. Nghĩ sao làm vậy, trong cả 3 lần thu hồi trước đây, nhân dân thôn Quyết Tiến đều chấp hành nên việc thu hồi đất rất thuận lợi. Vậy nguồn cớ vì đâu đến lần thứ 4 này họ lại phản đối mãnh liệt đến thế?
Bà Phạm Thị Hiền (40 tuổi) ở thôn Quyết Tiến lý giải: Thu hồi đất hai lúa một màu của dân xong cứ tưởng họ triển khai làm KCN luôn nhưng cho đến bây giờ chỉ có một nhà đầu tư triển khai xây dựng, còn hai nhà đầu tư khác, sau khi giải phóng mặt bằng, xây tường bao và vài công trình hạ tầng lấy lệ rồi… để cỏ mọc đến tận bây giờ.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng còn sót lại sau những "cơn lốc KCN" nhiều năm trước, bà Hiền than: “Trước khi KCN về nhà tôi có hơn 5 sào ruộng. Ba lần thu hồi, các nhà đầu tư Vinashin và Hoàng Hải đã lấy đi hơn một nửa, nếu lần này mà Dự án xây dựng nhà máy gạch của Cty CP Tập đoàn Thạch Bàn lấy nữa thì gia đình tôi chỉ còn lại có 4 thước ruộng để sống thôi".
Nhà bà Hiền có 5 người, hai vợ chồng và 3 đứa con. Nếu như những gì bà than là thật thì đúng là không biết rồi đây họ sẽ sống bằng gì. Hai vợ chồng già, con cái còn đang đi học, giả sử KCN không bỏ hoang thì họ cũng không nằm trong diện được tuyển làm công nhân.
Sau 3 lần thu hồi trước, đời sống gia đình bà Hiền khó khăn rõ rệt. Ruộng bị mất nên ông chồng phải kiếm nghề phụ để làm nhưng cũng “cắc bụp” không ổn định. Tiền đền bù từ thời giá còn 9-14 triệu một sào nên sau 1-2 năm cuộc sống của 5 con người lại chúi vào 2-3 sào ruộng. Nếu đợt này bị thu hồi, tiền đền bù lại hết, chả lẽ 5 người này tiếp tục sống bằng 4 thước ruộng hay sao? Bà Hiền làm phép tính để lý giải vì sao những người nông dân ở đây lại “dị ứng” với KCN đến vậy: Với mỗi ha ruộng, những người nông dân chúng tôi thu hai vụ lúa là 10 tấn thóc. Nếu 8 năm trước, các dự án KCN không vào, để cho dân tiếp tục canh tác thì mỗi năm 80 tấn thóc/ha. 60 ha bị thu hồi sẽ mất bao nhiêu? 4.800 tấn thóc bị chôn vùi dưới bãi đất hoang kia rồi”. Thành thử, sau bài học từ 3 lần mất đất trước, bây giờ không chỉ bà Hiền mà hầu hết người dân thôn Quyết Tiến đều kêu. Thôn hay xã họ đều “không thèm chấp” nữa. Từng đoàn người cứ kéo nhau lên huyện, lên tỉnh để hi vọng số đất nông nghiệp, “nồi cơm” còn sót được giữ lại.
... đến dựng barie
Chẳng khác Quyết Tiến là mấy, chỉ khác là họ mang cái mác sống ở Thủ đô, những người dân ở thôn Chính Trung, xã Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đang lo ngay ngáy. Mất đất canh tác đã đành, họ còn mang nặng nỗi lo mất cả nhà, vì dự án đấu giá đất của huyện mở đường xuyên qua khu dân cư.
Căn nhà 2 tầng của gia đình ông Vũ Xuân Ninh giờ đây chẳng khác gì ngôi nhà bỏ hoang. Suốt gần 10 năm trời, căn nhà này và nhiều ngôi nhà khác nằm trên trục đường dẫn vào khu đấu giá đất của huyện luôn bị tra tấn bởi hàng chục chuyến xe trọng tải nặng chở đất đi qua. Khói bụi, tiếng ồn… khiến gia đình ông Ninh liên tục đổ bệnh. Để hạn chế bụi bay vào nhà, bà vợ ông nảy ra “sáng kiến” là che tường rào bằng 1 lớp lưới. Mỗi ngày 3 lần, bà đều đặn dùng nước và cây lau nhà để làm sạch nền.
Thực ra, hàng chục hộ nông dân thôn Chính Trung đã “đau” 1 lần. Đó là đận những năm 2004-2005, khi mà UBND huyện Gia Lâm có quyết định thu hồi 31,8 ha đất “bờ xôi ruộng mật” của thôn này để làm dự án KĐT. Nông dân bao đời sinh sống nhờ đất ruộng nơi đây bỗng dưng… thất nghiệp. Đổi lại, họ nhận được 81 triệu đồng/sào. Số tiền có vẻ lớn so với mức đền bù của các tỉnh khác, nhưng chẳng thấm tháp gì với mức chi phí của người dân ngoại thành Thủ đô. Thế là chẳng mấy chốc, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Bức xúc, một số hộ không chịu giao đất cho dự án. Họ vác đơn đi kiện đòi quyền lợi, đòi phải có chế độ hỗ trợ, tái định cư. Theo họ, việc huyện Gia Lâm đưa ra phương án đền bù và tái định cư là hết sức vô lý. Đất thu hồi của người dân thì BQL dự án đem bán đấu giá trong khi đất đền bù lại áp theo khung giá nhà nước và chỉ bằng 1/5 giá thực tế ở địa phương, vậy sự công bằng ở đâu? Ngoài ra, người dân bị thu hồi đất không được tái định cư tại chỗ, mà khu định cư do UBND huyện quy hoạch cách quá xa khu dân cư, điều kiện sinh sống vô cùng thiếu thốn. Không điện, không nước, không đường giao thông. Cách đây không lâu, 1 vụ cướp của, giết người táo tợn đã xảy ra ở khu vực này khiến những hộ dân trong diện tái định cư hoảng hồn, không dám ra ở. Kiện mãi mà chẳng có kết quả, người dân nản. Cuối cùng, bằng nhiều cách, chủ đầu tư đã lấy trọn được diện tích trên để đổ đất san nền.
Mặc dù năm 2011 vừa qua, tổng thu ngân sách của huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là 160 tỷ đồng, nhưng chi đã lên tới hơn 300 tỷ. "Do đó, phải làm công nghiệp, và phải trải thảm đỏ đối với DN nếu muốn thu hút đầu tư vào địa bàn”, một lãnh đạo huyện nói. Tuy nhiên, 3 dự án với hàng trăm ha đất lúa đã bị thu hồi rồi bỏ hoang hóa cả chục năm, bao nhiêu lời hứa chuyển nghề cho nông dân… chưa được thực hiện, thì xem ra, sinh kế của hàng trăm hộ dân nơi đây đang đứng trước thảm cảnh.
Chuyện tưởng thế là xong, ai ngờ, sau khi chia lô bán nền, huyện Gia Lâm lại tiếp tục mở con đường lớn dẫn vào KĐT. Ngặt một nỗi, con đường này lại đâm xuyên qua thôn Chính Trung. Thế là, ruộng đã mất, nay nông dân lại đối mặt với nguy cơ mất cả nhà. Không biết bao nhiêu lần người dân dựng barie, làm rào chắn không cho xe tải chạy qua làng vào KĐT. Ông Vũ Đức Luân, một nông dân thôn Chính Trung cho biết: Việc lấy đất canh tác đã khiến người dân chúng tôi khốn khổ quá nhiều rồi. Nay lại dọa lấy cả đất thổ cư của chúng tôi thì quá lắm. Vì thế, chúng tôi sẵn sàng làm mọi cách để bảo vệ bằng được tấc đất cắm dùi này.
Vào những ngày cuối năm vừa qua, dù thời tiết lạnh giá và phải lo kiếm tiền để chuẩn bị cho những ngày Tết nhưng đại diện của mấy chục hộ dân thôn Chính Trung vẫn phải túc trực để phòng việc UBND huyện cưỡng chế đất của họ. BQL dự án huyện Gia Lâm phải có “thư tay”, đề nghị gia đình ông Ninh chuyển đến khu tái định cư, và cũng úp mở rằng sẽ tổ chức cưỡng chế.
Sau gần 10 năm thu hồi đất canh tác và đổ đất san nền dự án, hiện khu đất trên vẫn đang bỏ hoang cho cỏ mọc. Chỉ lác đác trong khu này có 9-10 tòa nhà mọc lên, trong đó, có ngôi biệt thự của ông GĐ BQL dự án, kế toán Ban này và một số quan chức huyện.
Related news
Trong những năm gần đây, tình trạng nông dân và doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản xảy ra phổ biến, trong đó người nông dân luôn chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, hầu hết nông dân phải bán đổ bán tháo lúa mới vừa gặt, thậm chí bán cả lúa non để trang trải nợ nần. Mô hình cánh đồng mẫu lớn là lời giải cho bài toán rối rắm này.
Hiện tỉnh Trà Vinh có trên 100 ha nuôi cá tra xuất khẩu (trong đó, có 15 ha của Công ty TNHH thủy hải sản Sài Gòn MêKông được công nhận đạt chuẩn Global GAP), với sản lượng đạt hơn 20.000 tấn cá thương phẩm
Anh Trịnh Thanh Phong, 42 tuổi ở thôn Tân an, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận thu hoạch ốc hương bằng máy hút ốc.