Cơ Hội Mới Cho Sơ Ri Gò Công
Nhà máy chế biến sơ ri Nichirei Suco Acerola (của Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam) khởi công xây dựng ngày 17-7 tại xã Bình Nghị (Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đánh dấu sự khởi đầu mới cho vùng nguyên liệu sơ ri Gò Công. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội cho loại trái đặc sản của vùng đất nhiễm mặn này.
Ông Terada Yuichiro, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam nói rằng, việc xây dựng nhà máy lần này nằm trong chiến lược phát triển thị trường tiêu thụ sơ ri trên thế giới của Tập đoàn Nichirei (Nhật Bản) nói chung cũng như của Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam nói riêng. Nhà máy có diện tích 5.200m2 được trang bị hệ thống thu, sàng lọc và hệ thống đông lạnh sơ ri để đưa sản phẩm sơ ri đặc sản của Gò Công ra thị trường thế giới. Nhà máy có công suất 4.000 tấn sơ ri/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 90 tỉ đồng.
Việc xây dựng nhà máy chế biến sơ ri là cơ hội lớn cho loại trái cây đặc sản của Gò Công. Nhiều năm qua, giá trái sơ ri luôn ở mức thấp và tiêu thụ rất khó khăn. “Ở thị xã Gò Công có 25ha sơ ri của 70 hộ dân trồng giống sơ ri Gò Công và sơ ri ngọt Bến Tre, cung cấp cho thị trường khoảng 700 tấn/năm. Thế nhưng, thời gian qua nông dân đốn bỏ sơ ri rất nhiều do giá xuống thấp, nhiều xã viên xin ra khỏi hợp tác xã vì không thấy lợi ích, đầu ra sản phẩm.
Chúng tôi đang vận động các xã viên trồng lại sơ ri và tham gia vào hợp tác xã vì thời gian tới, sơ ri sẽ có đầu ra ổn định, giá cả có lợi cho nông dân khi Nhà máy chế biến trái cây Nichirei Suco Việt Nam hoàn thành và ký hợp đồng thu mua với hợp tác xã” - bà Châu Thị Tuyết, Chủ nhiệm Hợp tác xã sơ ri Gò Công cho biết. Ông Nguyễn Văn Thông là người gắn bó cả cuộc đời với cây sơ ri Gò Công.
Ông cũng là Chủ nhiệm Hợp tác xã sơ ri Bình Ân, hợp tác xã có 14ha với 77 hộ dân trồng giống sơ ri Gò Công, sơ ri ngọt Bến Tre và sơ ri Brazil, năng suất trung bình 20 tấn/ha/năm. Giá sơ ri hiện chỉ 3.000-3.500 đồng/kg, người trồng sơ ri luôn thấp thỏm về đầu ra. Theo ông Thông, sự độc quyền trong thời gian dài của 1 doanh nghiệp chuyên thu mua sơ ri ở vùng Gò Công sẽ không còn, bởi lãnh đạo nhà máy Nichirei Suco Acerola hứa sẽ thu mua sơ ri với giá có lợi cho nông dân.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, sơ ri Gò Công có từ lâu đời và được xác định là 1 trong 7 loại trái cây chủ lực của tỉnh. Cây sơ ri trồng ở Gò Công mang đầy đủ hương vị đặc sắc, chưa có nơi nào sánh được. Từ đó, sơ ri được xem là cây đặc sản của địa phương, đầy tiềm năng phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Hiện toàn huyện có 300ha trồng sơ ri của trên 1.215 hộ dân, tập trung tại các xã: Bình Nghị, Bình Ân, Tân Đông… “Mới đây, Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam đã đầu tư 6 tỉ đồng xây dựng Trung tâm Nghiên cứu cây sơ ri tại xã Bình Nghị nhằm chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến cho nông dân, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của trái sơ ri, nâng chất lượng nông sản xuất khẩu.
Việc thành lập Nhà máy chế biến trái cây Nichirei Suco Việt Nam trên địa bàn huyện sẽ là bước ngoặt lớn cho sự phát triển ổn định và bền vững của vùng sơri Gò Công” - ông Nguyễn Chí Trung nói.
Tại lễ khởi công xây dựng nhà máy chế biến sơ ri, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chỉ rõ, Brazil và Việt Nam có diện tích trồng sơ ri lớn nhất thế giới. Riêng tỉnh Tiền Giang có vùng chuyên canh sơ ri trên đất nhiễm mặn ven biển Gò Công (thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công) với diện tích khoảng 300ha, sản lượng hàng năm trên 6.000 tấn, phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Thời gian qua, cây sơ ri chưa phát huy hiệu quả, chưa được khai thác tốt theo hướng bền vững, chưa làm cho nông dân trồng sơ ri an tâm. Người trồng chưa xác định được giống tốt để cho trái đồng đều, đẹp, chất lượng cao; chưa áp dụng đúng quy trình sản xuất để cho năng suất cao, ổn định theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Thị trường tiêu thụ trái sơ ri không ổn định, chủ yếu còn bán dưới dạng sản phẩm tươi, phục vụ cho thị trường nội địa là chính. Do vậy, nhà máy chế biến sơ ri được xây dựng tại vùng nguyên liệu sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho cây sơ ri Gò Công vươn ra thế giới.
Để đáp ứng nhu cầu chế biến của nhà máy, mục tiêu của tỉnh đến năm 2015 là sẽ mở rộng diện tích trồng sơ ri lên trên 500ha, sản lượng trên 10.000 tấn/năm. Nhà máy của Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam đi vào hoạt động cũng sẽ giải quyết thêm việc làm cho lao động địa phương và sản phẩm của công ty khi được xuất khẩu sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh…
Related news
Gần đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều phương tiện kỹ thuật mới, hỗ trợ tích cực việc đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Núi Thành.
Ông Lê Văn Sử, Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển (Cà Mau), cho biết: Hơn nửa tháng qua, vùng nuôi nghêu thương phẩm trên địa bàn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) xuất hiện nhiều nghêu giống, sò huyết giống, thu hút hàng ngàn người đến khai thác.
Ngư dân Bình Định đã phát hiện ra cách câu và đánh bắt cá ngừ đại dương mới mà mỗi chuyến biển đạt trên 100 con là “chuyện thường ngày.”