Cơ Giới Hóa Trong Nông Nghiệp Ở Ninh Sơn
Trong những năm qua, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất ở huyện Ninh Sơn đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân trên diện tích canh tác.
Toàn huyện Ninh Sơn có diện tích đất nông nghiệp hơn 17.000 ha, trong đó ngoài một số diện tích lúa tập trung chủ yếu ở Lương Sơn và rải rác một số xã khác, thì đa phần diện tích đất phù hợp với việc phát triển các loại cây công nghiệp như mía, mì và một số cây lương thực khác.
Nếu như cách đây vài năm, những công việc như làm đất, gieo cấy, tưới nước, thu hoạch … còn chiếm khá nhiều thời gian và sức lực của người lao động, thì hiện nay tại Ninh Sơn đa phần những công việc ấy đã được thực hiện bằng cơ giới hóa.
Nông dân thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn áp dụng cơ giới hóa vào chăm sóc mía.
Nhiều vùng nông thôn của huyện đã có sự thay đổi toàn diện nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giảm thiểu sức lao động, giảm chi phí và tăng giá trị sản xuất.
Để khuyến khích nông dân đưa cơ giới vào sản xuất, ngoài các chính sách chung của Trung ương, tỉnh, những năm qua địa phương cũng tạo đã tạo mọi điều kiện, cơ chế hỗ trợ cho các tập thể, hộ cá nhân được vay vốn mua sắm máy móc ứng dụng vào sản xuất.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 500 máy cày loại có công suất từ 12 CV đến trên 35 CV; 30 máy gặt đập liên hợp…cùng hàng trăm các loại máy móc khác phục vụ sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch. Các địa phương khó khăn như Ma Nới, Lương Sơn đến nay nông dân cũng đã có hàng chục các loại máy cày, máy xới đất, máy gặt phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.
Điểm đáng mừng trong việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Ninh Sơn hiện nay là cơ giới hóa vào sản xuất cây mía. Qua mô hình cơ giới hóa trong sản xuất cây mía (giai đoạn 2011- 2013), từ năm 2011 đến nay, huyện đã được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh triển khai đưa vào thí điểm, chuyển giao một số máy móc hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất cây mía gồm: 5 máy nâng mía và 18 máy làm đất đa năng. Trong đó, loại máy làm đất đa năng đang bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giảm thiểu sức lao động và chi phí sản xuất cho người trồng mía.
Anh Nguyễn Minh Hướng, Trưởng Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện cho biết: Việc chuyển giao thí điểm các loại máy hỗ trợ sản xuất mía đang bước đầu thu hút được sự quan tâm của nông dân tại địa phương, trong đó loại máy làm đất đa năng sau khi đưa về thí điểm bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, hiện nay nhiều hộ dân các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn và Thị trấn Tân Sơn đã liên hệ với trạm để đặt mua.
Được biết, trong năm 2013 Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh sẽ tiếp tục thí điểm chuyển giao thêm một số máy chặt mía gom hàng về địa phương. Đây là tín hiệu vui cho việc định hướng phát triển bền vững cây mía nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Đó là địa hình vốn không bằng phẳng, chủ yếu là đất gò, dốc nên việc áp dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp tại một số địa bàn sẽ bị hạn chế. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho huyện Ninh Sơn là chú trọng hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, đường nội đồng để việc hiện đại hóa trong nông nghiệp đạt hiệu quả cao.
Có thể nói, hiệu quả của việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất ở Ninh Sơn những năm qua đã tạo bước chuyển tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Riêng trong năm 2012, nhờ áp dụng cơ giới hóa đã góp phần tạo được sức bật trong sản xuất nông, lâm, thủy sản với việc việc tăng giá trị sản xuất của ngành 8,4%; tổng sản lượng lương thực vượt 20,2 % kế hoạch. Không chỉ góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, mà còn góp phần tích cực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Gia đình ông Lê Văn Lộc, ở thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang hơn một tháng nay đang đứng ngồi không yên theo đàn chồn nhung đen. Từ mối quan hệ cá nhân với ông Đoàn Việt Châu (Hà Nội), gia đình ông Lộc đã nhận chồn nhung đen về nuôi.
Đây là đề tài do Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 thực hiện. Qua khảo sát chất lượng nước các ao nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú trên 3 mô hình nuôi thâm canh ở tỉnh Sóc Trăng, các nhà khoa học nhận thấy, chất lượng nền đáy ao, bao gồm tổng carbon, tổng nitơ và tổng phosphor, vào đầu vụ nuôi nhìn chung là phù hợp cho tôm phát triển.
Sản xuất tôm giống, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng giống đang phát triển mạnh tại tỉnh Ninh Thuận. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Là nơi tạo ra con giống chất lượng cao, Ninh Thuận vẫn đứng vị trí số 1 trong nước về sản xuất tôm giống.