Chuẩn Bị Tổ Chức Lại Đầu Mối Xuất Khẩu Gạo
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo, đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới. Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định này là tổ chức lại đầu mối xuất khẩu gạo.
Trước khó khăn xuất khẩu lúa gạo, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh mới đây đã yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại, Tổ điều hành xuất khẩu gạo cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tập trung đánh giá, phân tích các vấn đề thị trường.
Theo VFA, trong tháng 4, xuất khẩu gạo ước đạt 807.000 tấn, giá trị đạt 340 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu gạo ước đạt 2,38 triệu tấn (tăng 7,6%) và kim ngạch đạt 1,04 tỷ USD (giảm 0,2%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Vấn đề đáng lo ngại, theo VFA, số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo tuy được ký kết khá nhiều trong 4 tháng đầu năm, nhưng giá trị xuất khẩu không cao.
Cụ thể, trong thời gian nêu trên, các doanh nghiệp đã ký xuất khẩu 4,231 triệu tấn gạo, tăng 9,92% so với cùng kỳ 2012 nhưng việc giao hàng chậm.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho biết giá xuất khẩu giảm với hầu hết các nước xuất khẩu gạo do cung thế giới lớn, đặc biệt với sức ép giải phóng tồn kho gạo của Thái Lan khoảng 12 triệu tấn, cũng như Ấn Độ, Pakistan xuất khẩu trở lại nhờ được mùa và Myanmar mới góp mặt vào "sân chơi" xuất khẩu gạo. Thực tế này khiến nguồn cung tăng, dẫn đến giá gạo giảm.
Ông Chinh nhấn mạnh một thực tế là giá xuất khẩu gạo Việt Nam chưa bao giờ cao hơn giá gạo Thái Lan, nếu so với gạo của Pakistan và Ấn Độ thì cạnh tranh kém hơn tại thị trường châu Phi do xa hơn nên chi phí vận chuyển cao.
Tuy nhiên, ông Chinh cũng cho rằng một nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam thấp hơn giá gạo thế giới là do các doanh nghiệp thu mua lúa gạo với nguồn lực yếu nên đã giảm giá xuất khẩu để giảm áp lực về vốn, lãi suất. Trong khi đó, vụ Đông Xuân năm nay dự kiến thu 3,7 - 3,8 triệu tấn lúa.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo, đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới. Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định này là tổ chức lại đầu mối xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, nhằm tháo gỡ các khó khăn chung cho các mặt hàng nông sản, thuỷ sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong khoảng tháng 6, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức họp với các địa phương nhằm đánh giá, rà soát khó khăn, phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tìm giải pháp tháo gỡ.
Related news
Nông dân trồng chanh ở huyện Cái Bè (Tiền Gaing) rất phấn khởi vì giá tăng cao ngất ngưởng.
Thu nhập thấp, điều kiện làm việc thiếu thốn, lại không được hưởng các chính sách về bảo hiểm, biên chế đã khiến cho hoạt động của đội ngũ thú y viên cơ sở ở các thôn, xã gặp nhiều khó khăn.
Với khoảng 5.000 ha, Bình Minh và Bình Tân là hai huyện trồng khoai lang nhiều nhất ở tỉnh Vĩnh Long, hàng năm sản xuất trên 200 ngàn tấn các giống khoai nổi tiếng như khoai nghệ, khoai đỏ, tím nhật, lục ngạn, bí đỏ...