Chăn Nuôi Bò Thâm Canh Ở Cam Lộ Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Cam Lộ (Quảng Trị) là một huyện trung du, có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thủy văn và các vùng sinh thái khác nhau thích ứng cho quá trình đa dạng hóa nông nghiệp, trong đó lợi thế nhất là đồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thực tế trong những năm qua, với sự tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh, nông dân trong huyện đã khai thác được thế mạnh về đất đai và lao động đưa lại hiệu quả khá cao trong sản xuất cây công nghiệp ngắn, dài ngày và chăn nuôi trâu bò đàn.
Từ năm 2006, huyện Cam Lộ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng đàn gia súc phát triển theo hướng bền vững. Sau những năm thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, được sự ưu tiên ngân sách đầu tư thực hiện, đến nay huyện Cam Lộ đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng thâm canh, triển khai đồng bộ các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong tổng số 97 hộ dân của thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, Cam Lộ hiện có đến 70 hộ tham gia mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh với tổng số 240 con, trong đó hộ nhiều nhất là 8 con. Bây giờ, người dân đã thấy rõ lợi ích kinh tế từ chăn nuôi bò thâm canh cao hơn rất nhiều so với chăn nuôi bò thả rông trước đây.
Gia đình ông Trần Viết Luận, thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, Cam Lộ chăn nuôi bò lâu năm nhưng những năm trước gia đình ông chủ yếu nuôi theo lối chăn thả tự nhiên, hơn 1 năm nay ông chuyển sang đầu tư trồng cỏ nuôi bò nhốt. Ông Luận cho biết: “Trước đây, không chỉ gia đình tôi mà hầu hết bà con nuôi bò theo hướng thả rông, bây giờ đồng cỏ bị thu hẹp, nuôi bò thả rông khó hơn, làm ảnh hưởng đến trồng rừng và trồng các loại cây khác nên xã vận động bà con nuôi bò nhốt. Khi thực hiện nuôi bò nhốt kết hợp với trồng cỏ thì thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Bò được đầu tư chăm sóc tốt nên nhanh lớn, béo, vì vậy bán được giá hơn. Tính trong 1 năm nuôi bò nhốt cho lợi nhuận cao gấp 2 lần so với nuôi bò thả rông. Mỗi con bò nuôi nhốt mỗi năm thu lãi được 7 - 8 triệu đồng”.
Từ hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng cỏ nuôi bò đã nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn huyện Cam Lộ. Đến nay, toàn huyện đã có đàn bò trên 14.000 con, trong đó có trên 55% được nuôi nhốt. Một số địa phương được Trường Đại học Nông lâm Huế đầu tư cho nông dân trồng cỏ, hỗ trợ 50% lượng thức ăn tinh cho bò vỗ béo và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc bò. Nuôi bò nhốt thâm canh đã và đang trở thành một phong trào phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương của huyện.
Hiệu quả trong chăn nuôi bò thâm canh tại huyện Cam Lộ đã thấy rõ, song để mô hình này phát triển bền vững và hiệu quả hơn, người chăn nuôi đang có nhiều nguyện vọng chính đáng. Ông Đoàn Ánh Phước, trưởng thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, Cam Lộ cho biết: Nhờ được tập huấn, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp huyện và Trường Đại học Nông lâm Huế nên bây giờ nông dân đã có trình độ thâm canh chăn nuôi bò tương đối khá. Tuy nhiên, nông dân rất cần rất sự hỗ trợ từ nhiều phía mới phát triển chăn nuôi bò bền vững và hiệu quả hơn nữa để có sản phẩm hàng hóa lớn. Người dân muốn thành lập câu lạc bộ chăn nuôi bò để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời muốn có nguồn vốn cho vay ưu đãi để mở rộng đàn…”. Đây thực sự là những nguyện vọng chính đáng của nông dân mà huyện Cam Lộ cần quan tâm xây dựng chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững.
Hiện nay, nhiều gia đình ở xã Cam Tuyền đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ theo quy hoạch và giúp nhau trong việc mua bò giống. Mô hình trồng cỏ nuôi bò đang giúp nông dân xã Cam Tuyền nói riêng và huyện Cam Lộ nói chung thay đổi tập quán chăn nuôi từ dựa vào tự nhiên sang chăn nuôi theo phương thức an toàn, có hiệu quả kinh tế cao. Thành công của mô hình này mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của huyện Cam Lộ. Với tính khoa học phù hợp với xu thế phát triển chung, mô hình trồng cỏ, nuôi bò là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu thực phẩm trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Related news
Ngoài khó khăn do chi phí tăng cao, phải cho tàu nằm bờ, hiện các tập đoàn đánh cá lớn ở Hải Phòng còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động nghề cá, đặc biệt là lao động có khả năng làm việc trên các tàu vươn khơi xa, khai thác tại vùng đánh cá chung trên vịnh Bắc bộ.
Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp Bình Thuận (ACP) vừa phối hợp với Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất (CPTM&SX) Thái Việt Mỹ, hội thảo về ứng dụng chế phẩm sinh học Chitosan trong sản xuất thanh long. Đây là chuyên đề thuộc hợp phần A dự án ACP Bình Thuận, về tăng cường công nghệ nông nghiệp.
Hiện nay, người dân các tỉnh Tây Nguyên đang tiến hành thu hoạch sắn niên vụ 2011-2012. Niên vụ trước do giá sắn trên thị trường tăng cao, đã thu hút đông đảo người dân ở Tây Nguyên đổ xô trồng loại cây này, bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Nong nghiep, nong thon, nha nong, nong dan, khuyen nong