Cây Chuối Trổ Hai Buồng
Một nông dân trồng cây chuối và kết quả cho ra hai buồng, rất nhiều quả. Điều đáng nói, cây chuối này trổ hai bông vào hai thời điểm khác nhau.
Đó là hiện tượng lạ trong vườn nhà cựu chiến binh Nhữ Sỹ Cương, 67 tuổi, xóm 5, xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ông Cương cho biết, khi buồng đầu tiên trổ và quả sắp chín, đột nhiên từ phía đối diện của thân chuối lại “chui” ra một buồng thứ 2. Nó cũng ra nải và phát triển thành buồng như buồng “chuối anh” ở phía bên kia.
Theo quan sát, buồng chuối trổ trước cho quả rất to, từ nải đầu cho đến nải út quả đều tăm tắp, to bằng nhau. Khi các quả này bắt đầu chuyển màu vàng thì phía đối diện thân chuối chui ra một bông hoa thứ hai.
Tính đến nay, sau 10 ngày, chuối đã bắt đầu trổ và kết thành 2 nải đầu tiên. Thấy chuyện lạ, bà con trong xóm cũng kéo đến xem rồi họ bàn tán xôn xao, người cho là điềm lành, kẻ lại bảo “chuối ma” phải mời thầy về cúng “yểm” rồi chặt phá để “trừ tà”.
Nghe người dân đồn đại thế này thế khác cũng thấy lo lắng trong người, ông Cương đã đi mời thầy phong thủy về xem. Thầy này phán, việc cây chuối trổ hai bông là điềm báo tốt, nó là lộc của trời ban. Khi nghe thầy phán, nên ông Cương quyết giữ lại tiếp tục theo dõi xem nó phát triển thế nào.
“Từ nhỏ tới chừng này tuổi rồi tôi chưa từng gặp cây chuối trổ 2 buồng như thế này bao giờ. Lúc đầu cũng thấy lo lo ấy, nhưng khi mời thầy về xem thầy bảo điềm lành nên giữ lại xem sao”, ông Cương cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, cây chuối này cũng giống các cây chuối khác. Nhưng buồng “chuối anh” quả to và đều hơn các buồng chuối bình thường. Riêng buồng “chuối em” khi chui ra có một đoạn ngắn, bắp chuối rất to và bắt đầu trổ nải. Khi vén bẹ lên, các quả bên trong cũng đều tăm tắp hứa hẹn sẽ có một buồng chuối sánh vai ngang hàng với buồng chuối anh.
Theo trưởng thôn Nhữ Sỹ Lý: “Tôi đã 20 năm trồng chuối, khu vực này 100% gia đình có chuối nhưng chưa bao giờ gặp cây nào chuối nào trổ 2 buồng mà đều có quả như cây chuối nhà ông Cương”.
Related news
Lâu nay, nghề nuôi yến chủ yếu phát triển mạnh ở các vùng ven biển miền Trung, nhất là tỉnh Khánh Hòa, bởi nơi đây hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để nghề này phát huy hiệu quả cao. Những năm gần đây, nghề nuôi yến bắt đầu phát triển tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tại Dầu Tiếng (Bình Dương), nghề nuôi yến được bà con nông dân thử nghiệm thành công, trong đó mô hình nuôi yến tại nhà của bà Vũ Thị Tuất, ngụ ấp Tân Phú, xã Minh Tân là một điển hình.
Cuối cùng, điều lo lắng nhất cũng đã xảy ra: Dịch tai xanh trên lợn sau nhiều tháng hoành hành tại miền Bắc đã bắt đầu "tấn công" các tỉnh phía Nam. Bạc Liêu và Đồng Nai là những tỉnh đầu tiên dịch bệnh này tràn đến...
Lợi nhuận của nông dân thêm 2,2-3 triệu đồng/ha, có nơi tăng thêm 7-7,5 triệu đồng/ha sau khi áp dụng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Bộ NN&PTNT đã cho biết như vậy tại hội nghị sơ kết mô hình trên tổ chức tại An Giang ngày 22-8