Prices / Mô hình kinh tế

Bất Chấp Khuyến Cáo, Hàng Trăm Hộ Dân Có Nguy Cơ Mất Trắng

Bất Chấp Khuyến Cáo, Hàng Trăm Hộ Dân Có Nguy Cơ Mất Trắng
Author: 
Publish date: Friday. July 26th, 2013

Trước cảnh “lúa trúng mùa, rớt giá” như hiện nay nhiều nông dân đang “rầu thúi ruột” nhưng có người ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lại xuống giống vụ 3 ngoài chủ trương của chính quyền địa phương để tăng sản lượng lúa và nâng cao thu nhập bất chấp nước lũ từ thượng nguồn đang đổ về… Chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp “cứu” hàng trăm hộ dân này.

Nhiều nông dân ở huyện Hồng Ngự nhận định tình hình nước lũ năm 2013 nhỏ nên xuống giống vụ thu đông ngoài đê bao, trái với chủ trương của chính quyền địa phương. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, vụ lúa thu đông này, toàn huyện có hơn 403ha gieo sạ ngoài chủ trương, tập trung nhiều nhất ở xã Thường Phước 1 và Thường Thới Hậu B. Mặc dù từ đầu mùa, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân thông báo, tuyên truyền chủ trương không xuống giống ở những nơi không sản xuất vụ 3, tuy nhiên hàng trăm hộ dân vẫn cứ làm “liều”.

Nhiều hộ nông dân cho rằng mực nước lũ năm ngoái nhỏ, từ đó dự báo năm nay nước lũ sẽ tiếp tục nhỏ nên đã bắt tay vào sản xuất. Nông dân Trần Văn Nghe ở ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự có 15 công ruộng, cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi “liều” xuống giống theo những hộ khác. Trong lòng cũng hồi hộp dữ lắm! Nếu nước mà tràn bờ là mất trắng...”. Hợp tác xã ấp 1 (xã Thường Phước 1) không chủ trương bơm nước vào ruộng nhưng nhiều nông dân tận dụng các đợt mưa nước ứ đọng để xuống giống. Trước tình hình này, chính quyền địa phương yêu cầu nông dân làm cam kết nếu xảy ra thiên tai nông dân hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Huyện Hồng Ngự là huyện đầu nguồn lũ của tỉnh Đồng Tháp nên lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, các khu đê bao lửng không cho sản xuất lúa vụ 3 nhằm hạn chế dòng chảy. Hiện nay, địa phương có kế hoạch chủ động phòng ngừa “cứu” dân. Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, cho biết: “Nông dân lỡ “liều” rồi chính quyền phải “cứu” dân trong lúc này. Trước mắt xã cho lắp vá lại đê bao ở những nơi xung yếu. Dự kiến, xã sẽ trích kinh phí khoảng 50 triệu đồng để gia cố lại đê bao, trang bị hệ thống máy bơm chống úng sẵn sàng rút nước.

Ông Phạm Minh Hiệp, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu B, cho biết: Địa phương tăng cường công tác chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp Ban nhân dân các ấp tổ chức tuần tra, kiểm tra lại hệ thống đê bao, các cống nhằm đảm bảo cho người dân thu hoạch lúa giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Nếu nước lũ lên cao gây ngập diện tích này, địa phương sẽ chỉ đạo các ngành quân sự, đoàn thể phối hợp với Đồn Biên phòng giúp dân thu hoạch lúa.

Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo xã kiểm tra, vá đê bao sử dụng ngân sách của xã, củng cố lại các trạm bơm chuẩn bị cho công tác tháo úng khi mưa xảy ra hoặc nước lũ tràn về giúp dân ăn chắc vụ lúa này.


Related news

Khai Thác Tiềm Năng Từ Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Khai Thác Tiềm Năng Từ Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, diện tích tôm được thả trong năm nay là 9ha tại xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B. Giá tôm giống năm nay cao hơn năm trước không nhiều, dao động từ 180 đồng - 185 đồng/con, cao hơn khoảng 15 đồng/con. Hiện đàn tôm phát triển rất tốt.

Friday. July 26th, 2013
Giá Heo Hơi Giảm Mạnh, Nhà Nông Lỗ Nặng Giá Heo Hơi Giảm Mạnh, Nhà Nông Lỗ Nặng

Cuối tuần qua, nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai, TP. HCM và khu vực ĐBSCL cho biết, giá heo hơi hiện chỉ còn xấp xỉ 40.000 đồng/kg. Không chỉ heo hơi giảm giá, nhiều chủ trại heo giống cũng “than ngắn thở dài” khi cả tháng trở lại đây, họ không bán heo con ra được mặc dù giá đã liên tục giảm sâu.

Friday. July 26th, 2013
Mô Hình Trồng Nấm Rơm Giải Quyết Việc Làm Cho Nông Dân Mô Hình Trồng Nấm Rơm Giải Quyết Việc Làm Cho Nông Dân

Hằng năm, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hàng ngàn ha rơm phải bỏ tại ruộng hoặc rải rác tại các cặp bờ kênh. Lũ về, những hạt lúa còn sót lại trôi theo dòng nước tứ tán rơi đều trên mặt ruộng, nằm im trong lòng đất chờ cơ hội phát triển thành lúa von. Còn những đống rơm, trôi lênh đênh trên mặt nước, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm cản trở giao thông đường thủy. Có không ít nông dân cũng đã tận dụng nguồn rơm dư thừa này để trồng nấm.

Friday. July 26th, 2013